Bệnh Meniere là một rối loạn tiền đình ngoại biên, thường xảy ra ở người từ độ tuổi 40 – 60, với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam giới.
Meniere là một bệnh lý tai trong tương đối hiếm gặp, chiếm khoản 1% các bệnh lý liên quan đến tiền đình. Bệnh xuất hiện ở mọi độ tuổi, đỉnh cao ở 40 – 60 tuổi, tỷ lệ nữ : nam khoảng 1,89 : 1. Theo Viện Quốc gia về Khiếm thính và Rối loạn Giao tiếp khác (NIDCD) Hoa Kỳ ước tính, có khoảng 615.000 người dân ở Mỹ hiện được chẩn đoán mắc bệnh Meniere và mỗi năm có tới 45.500 trường hợp mới được chẩn đoán. Ở Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức cho căn bệnh này.
Bệnh Ménière là gì?
Bệnh Meniere là một chứng rối loạn ở tai trong với triệu chứng kinh điển gồm chóng mặt, ù tai và giảm thính lực. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như choáng váng hoặc cảm giác đầy nặng tai.
Các triệu chứng của bệnh Meniere không xuất hiện liên tục mà diễn ra thành từng đợt, mỗi đợt có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng liên quan đến tiền đình – thính lực cùng một lúc.
- Chóng mặt: là cảm giác quay cuồng, có thể do người bệnh thấy mình đang xoay hoặc mọi vật xung quanh đang xoay. Trong bệnh Meniere, người bệnh có thể xuất hiện cơn chóng mặt đột ngột, kéo dài hàng giờ nhưng thường không quá 24h. Cơn chóng mặt nặng còn có thể gây nôn mửa.
- Giảm thính lực: Người bệnh gặp tình trạng nghe kém xảy ra ở tai bị ảnh hưởng. Các cơn nghe kém của người bệnh đến rồi đi cùng lúc với các đợt tấn công của bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ quan thính lực cũng dần dần bị tổn thương và người bệnh có thể bị nghe kém vĩnh viễn.
- Ù tai: âm thanh chủ quan chỉ có người bệnh nghe được. Cũng như hai triệu chứng trên, ù tai cũng xuất hiện từng đợt và thường được mô tả là nghe như tiếng ve kêu, tiếng sáo, hoặc tiếng gió bên tai…

Những người có nguy cơ mắc bệnh Meniere
Bệnh Meniere có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng có nhiều khả năng xảy ra ở người lớn từ 40-60 tuổi phổ biến hơn.
Tỷ lệ mắc bệnh Meniere thay đổi từ 3,5/100.000 đến 513/100.000 và xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân nữ, da trắng, lớn tuổi.
Các triệu chứng của bệnh Meniere
Các triệu chứng bệnh Meniere có thể khác nhau giữa mọi người và theo thời gian. Các vấn đề chính là các cơn chóng mặt không thể đoán trước kèm theo buồn nôn và nôn. Các cuộc tấn công có thể kéo dài từ nhiều phút đến 24 giờ. Người bệnh cũng có thể bị ù tai, giảm thính lực và cảm giác đầy trong tai.
Khoảng thời gian thuyên giảm giữa các đợt tấn công có thể thay đổi từ vài ngày đến vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm khiến tình trạng của Hội chứng Meniere trở nên khó đoán và khiến người bệnh khổ sở.
Khi Hội chứng Meniere tiến triển, chóng mặt có thể ít nghiêm trọng hơn; tuy nhiên, sau mỗi đợt tấn công của Meniere, cơ quan tiền đình dần dần bị tổn thương cho đến khi mất chức năng hoàn toàn.
Đến thời điểm này, người bệnh có thể không còn bị chóng mặt nữa mà thay vào đó là cảm giác loạng choạng, mất thăng bằng diễn ra liên tục. Và cũng trong giai đoạn này, người bệnh ù tai nhiều hơn, tình trạng mất thính lực tiến triển nặng dần.
Thông thường chỉ có một tai bị ảnh hưởng, nhưng có tới 50% người mắc bệnh có thể phát triển tình trạng này ở cả hai tai.
Bệnh Meniere được chia thành ba giai đoạn. Các triệu chứng ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau.
1. Giai đoạn một (sớm): Các cơn chóng mặt không thể đoán trước
Đặc điểm chính là chóng mặt từng đợt có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Trong đợt cấp, mức độ mất thính lực có thể thay đổi cùng với cảm giác đầy tai.
Một số người có thể bị ù tai hoặc ù tai nặng hơn ở bên tai bị ảnh hưởng. Cảm giác đầy tai và ù tai có thể xảy ra trước các cơn chóng mặt, nhưng chúng thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Giữa các cơn, thính giác và cảm giác trong tai trở lại bình thường. Có những giai đoạn thuyên giảm giữa các cơn, điều này khác nhau ở mỗi người khiến bệnh Meniere trở thành một căn bệnh khó lường và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.
2. Giai đoạn hai (trung gian): Các cơn chóng mặt, ù tai, mất thính lực
Các cơn chóng mặt tiếp tục với các đợt thuyên giảm khác nhau tuy có thể ít nghiêm trọng hơn. Sau hoặc có lẽ trước cuộc tấn công, người bệnh có thể trải qua một khoảng thời gian mất cân bằng và chóng mặt do chuyển động.
Tình trạng mất thính lực vĩnh viễn có thể tiến triển dần theo các cơn chóng mặt. Chứng ù tai trở nên nổi bật hơn thường dao động hoặc tăng dần theo các cơn.
3. Giai đoạn ba (muộn): Nghe kém, mất thăng bằng, ù tai
Trong các giai đoạn sau, tình trạng mất thính lực tăng lên và thường các cơn chóng mặt giảm dần hoặc mất hẳn. Khi tình trạng mất thính lực trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị méo tiếng hoặc cảm thấy khó chịu về âm thanh.
Ngoài ra, giai đoạn này, cơ quan giữ thăng bằng trong tai bị tổn thương vĩnh viễn khiến người bệnh gặp các vấn đề về thăng bằng nghiêm trọng, đặc biệt là trong bóng tối. Ở giai đoạn này, sự bù trừ tốt ở hệ thống tiền đình trung ương sẽ phần nào giảm các triệu chứng choáng váng, mất thăng bằng ở người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh Meniere
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân được đặt ra để giải thích cho hiện tượng ứ dịch trong mê nhĩ này. Các nguyên nhân đó có thể gồm
1. Mạch máu và sự co mạch máu
Meniere có mối liên hệ chặt chẽ với đau nửa đầu và hai tình trạng này cùng chia sẻ cơ chế bệnh sinh chung. Vì đau nửa đầu được xem là có mối liên hệ với sự co thắt mạch máu não, sự co thắt cũng có thể đóng vai trò ở Meniere. Ở mô hình này, các đợt Meniere được gây ra bởi thiếu máu cấp, và tổn thương thiếu máu tích luỹ thậm chí dẫn đến thoái hóa mô đệm và rối loạn chức năng ốc tai và tiền đình vĩnh viễn.
2. Nhiễm virus
Nhiều tác nhân nhiễm trùng virus liên quan đến Meniere, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng kết luận. Các nghiên cứu lai tại chỗ cho thấy DNA từ nhiều virus herpes trong nang nội dịch, bao gồm virus thủy đậu (VZV), Epstein- Barr virus (EBV) và virus đại bào (CMV). Trong khi virus HSV1 và HSV2 không được ghi nhận, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ DNA HSV1 và HSV2 cao hơn trong các mẫu bệnh phẩm đơn lẻ từ người bệnh Meniere khi so với dân số chung, mặc dù điều này không nhất quán.
3. Mắc các bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn được xem là chiếm từ 5-30% trường hợp Meniere. Những bệnh nhân này thường biểu hiện nặng và bệnh xảy ra ở hai bên tai. Bệnh Meniere xuất phát từ bệnh tự miễn được công nhận từ những năm 1980, khi một nhóm bệnh nhân Meniere có biểu hiện bất thường miễn dịch rõ ràng. Sự tăng đáng kể tỷ lệ tự miễn, các tình trạng dị ứng được ghi nhận ở dân số Meniere, sự kiểm soát y khoa phù hợp dị ứng nguyên chứng tỏ cải thiện triệu chứng Meniere.
Kết hợp với những liên kết có thể giữa Meniere và gen MHC, các xu hướng này khiến một số tác giả tin vào tầm quan trọng của yếu tố miễn dịch nếu không phải là ưu thế đối với Meniere. Bằng chứng miễn dịch học về nguyên nhân tự miễn ở Meniere rất phong phú nhưng không kết luận được. Túi nội dịch được xem là vị trí chức năng miễn dịch trong tai trong, và các cytokine gây viêm được báo cáo trong nội dịch.
Những bệnh nhân Meniere có biểu hiệu tăng mức tự kháng thể và phức hợp kháng nguyên kháng thể. Huyết thanh của họ cho thấy có phản ứng với tự kháng nguyên không xác định, một vài trong đó biểu hiện ở tai trong. Các nghiên cứu nhỏ cho thấy kháng với collagen type II ở bệnh nhân Meniere, và sử dụng collagen type II ngoại sinh được chứng minh gây ra EH với thoái hóa hạch xoắn ở các mẫu động vật. Sự tăng kháng thể kháng phospholipid cũng được mô tả trong Meniere.
4. Di truyền
Bệnh Meniere có thể bắt nguồn từ một rối loạn đa gen. Khoảng 10% các trường hợp bệnh nhân gốc châu u mắc bệnh Meniere có tính chất gia đình. Tình trạng này có thể biểu hiện sự di truyền trội hoặc lặn trên nhiễm sắc thể thường nhưng phổ biến nhất là lẻ tẻ.
Phòng ngừa bệnh Meniere
Vì không biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh Meniere nên không có cách nào để phòng ngừa. Tuy nhiên, thực hành lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống khoa học, tránh stress và tập thể dục mỗi ngày có thể giúp phòng ngừa bệnh tật nói chung.
Ngoài ra, hạn chế ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia, caffein, chocolate; uống nhiều nước, ưu tiên ngũ cốc có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của bệnh.

—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn