Nhược cơ là bệnh tự miễn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tử vong do suy hô hấp cấp. Vì thế, ngay khi vừa xuất hiện triệu chứng, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị, hạn chế tối đa các biến chứng nặng.

Bệnh nhược cơ là gì?
Nhược cơ hay yếu cơ (Myasthenia Gravis) là bệnh lý tự miễn của những điểm nối thần kinh – cơ ở người bệnh, đặc trưng bởi yếu cơ có tính chất dao động theo thời điểm trong ngày, buổi sáng khỏe hơn buổi chiều hoặc yếu tăng khi người bệnh hoạt động quá sức và giảm khi nghỉ ngơi. Biểu hiện yếu cơ thường gặp ở cơ mắt (sụp mi), cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, hông, hoặc cơ hô hấp (thở mệt).
Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại quá trình gắn thụ thể Acetylcholine (AChR) ở màng sau Synap. Điều này làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh qua khe synap, biểu hiện bằng mỏi cơ, yếu cơ hoặc liệt vận động.
Dấu hiệu của bệnh lý nhược cơ
1.Cơ mắt
Hơn 50% người bệnh mắc nhược cơ có biểu hiện ban đầu ở cơ mắt. Người bệnh thường có các dấu hiệu như:
- Sụp mi: biểu hiện một bên hoặc không đối xứng
- Nhìn đôi: Người bệnh nhìn 1 vật nhưng lại thấy 2 hình ảnh.
- Các biểu hiện khác: khó nhắm mắt hoàn toàn.

2.Cơ hầu họng
Cơ nhai thường bị ảnh hưởng và yếu rõ hơn khi nhai kéo dài (nhai mệt). Người bệnh thường xuyên thấy điều này xảy ra trong bữa ăn, đặc biệt là khi nhai thứ gì đó khó khăn như thịt bò. Khi bị yếu cơ nhai, người bệnh thường dùng bàn tay đặt dưới hàm để ngậm miệng.
Yếu cơ vùng hầu họng gây ra nuốt khó và nói khó. Giọng nói của người bệnh thay đổi nghe như giọng mũi khi yếu cơ vòm miệng, nặng hơn khi nói kéo dài. Ngoài ra, người bệnh có thể mắc phải tình trạng khó nuốt khi ăn uống, đặc biệt gây hít sặc suy hô hấp hoặc viêm phổi do thức ăn rơi vào phổi.
3.Cơ cổ và cơ tứ chi
Tình trạng yếu cơ có thể xuất hiện ở những bộ phận khác như cổ, tay, chân. Người bệnh thường có các dấu hiệu như:
- Gặp nhiều khó khăn khi giữ đầu ngẩng cao do yếu cơ duỗi cổ, trọng lượng của đầu lớn nên thường gây ra “hội chứng đầu rơi” đặc biệt vào cuối ngày.
- Khó thực hiện các hoạt động như nâng đồ vật, đứng dậy từ tư thế ngồi, leo cầu thang hay đánh răng.
- Dáng đi nặng nề, không linh hoạt.
4.Cơ mặt
Cơ mặt thường xuyên bị ảnh hưởng và khiến người bệnh có vẻ mặt vô cảm. Người thân có thể nhận thấy người bệnh “mất nụ cười” có yếu các cơ vòng môi.
5.Cơ hô hấp
Cơ hô hấp bị ảnh hưởng gây ra các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh nhược cơ. Yếu cơ hô hấp gây suy hô hấp. Suy hô hấp đang chờ cấp cứu là một tình huống đe dọa tính mạng được gọi là “cơn nhược cơ”. Tình huống này có thể xảy ra bất ngờ hoặc do các yếu tố khác thúc đẩy như phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc một số thuốc giảm bớt ức chế miễn dịch.
Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ
1.Kháng thể
- Kháng thể AChR – Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra các tự kháng thể phá hủy những thụ cảm thể của Acetylcholine trên màng tế bào cơ tại màng sau synap. Các kháng thể này xuất hiện ở khoảng 85 phần trăm người bệnh nhược cơ yếu cơ toàn thân. Xét nghiệm kháng thể AChR khá đặc hiệu trong chẩn đoán nhược cơ và tốt nhất nên thực hiện trước khi bắt đầu liệu pháp ức chế miễn dịch.
- Kháng thể MuSK – Kháng thể MuSK xuất hiện ở 38 đến 50% những người bệnh nhược cơ có AChR-Ab âm tính. Những người bệnh này thường có các biểu hiện ở mắt (ví dụ, nhìn đôi và sụp mi), các triệu chứng thường đối xứng và ít nghiêm trọng hơn và ít dao động hơn so với các biểu hiện ở mắt trong bệnh nhược cơ AChR dương tính.
- Kháng thể LRP4 – Các kháng thể chống lại LRP4, một thụ thể agrin cần thiết để kích hoạt sự hình thành thụ thể MuSK và AChR. LRP4 xuất hiện ở khoảng 13% bệnh nhân có huyết thanh kháng thể AChR và MuSK âm tính. Người bệnh thường có các triệu chứng nhẹ, tuy nhiên ở mức độ bệnh tối đa người bệnh có kháng thể LRP4 có các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn so với những bệnh nhân không có kháng thể dương tính. Hầu hết bệnh nhân được cải thiện với liệu pháp ức chế miễn dịch tiêu chuẩn.
2.Các yếu tố khác
Yếu tố di truyền – có vẻ như yếu tố di truyền cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh của bệnh nhược cơ. Một số loại kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) có liên quan đến bệnh nhược cơ, bao gồm HLA- B8, DRw3 và DQw2. Bệnh nhược cơ dương tính với kháng thể MuSK có thể liên quan đến DR14 và DQ5.
Ngoài ra, người bệnh nhược cơ thường mắc các bệnh liên quan đến bệnh qua trung gian miễn dịch khác, chẳng hạn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh Graves và bệnh viêm tuyến giáp, và tiền sử gia đình mắc bệnh rối loạn tự miễn dịch.

Chế độ sinh hoạt và ăn uống cho người bệnh nhược cơ
- Chế độ ăn uống khoa học: Người bệnh nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt trái cây và rau xanh. Trong đó, chuối và đu đủ là các loại trái cây chứa lượng kali dồi dào, giúp các cơ hoạt động tốt hơn.
- Tập luyện thể dục thể thao: Bạn nên xây dựng và duy trì thói quen tập luyện để rèn luyện thể chất, phát triển sức khỏe của các cơ.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu quá mức trong thời gian dài.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh nhược cơ từ sớm?
Nhược cơ là bệnh tự miễn và chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên lưu ý:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là trái cây và rau xanh.
- Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe và kiểm soát bệnh lý (nếu có).
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe toàn diện.

—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn