ĐAU BỤNG: TRIỆU CHỨNG CỦA NHIỀU BỆNH LÝ KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG

Đau bụng là tình trạng nhiều người gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Đa số các trường hợp không quá nguy hiểm, có thể điều trị. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, đau bụng chính là cảnh báo sớm của những căn bệnh nguy hiểm. Theo dõi bài viết dưới đây để nhận diện các loại đau bụng, nguyên nhân và cách điều trị của chúng

Đau bụng là gì?

Đau bụng là một triệu chứng khi người bệnh cảm thấy đau hoặc khó chịu ở toàn bộ phần bụng (khu vực dưới xương sườn và trên xương chậu). Bên cạnh đó, đau bụng cũng có thể xảy ra cùng lúc với các triệu chứng khác như: táo bón, tiêu chảy, nôn, chướng bụng, đầy hơi…..

Đau bụng có nhiều loại bao gồm:

  • Đau bụng cấp tính, cơn đau có thể kéo dài trong khoảng thời gian không quá một tuần
  • Đau bụng mãn tính là cơn đau liên tục hoặc tái phát, kéo dài ít nhất trong 3 tháng hoặc lâu hơn
  • Đau bụng tiến triển là cơn đau trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, thường đi kèm với các triệu chứng khác. Đau bụng tiến triển thường là một dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây đau có thể là do các cơ quan trong ổ bụng như: dạ dày, gan, túi mật, lách, tụy, ruột… bị viêm, căng giãn hoặc chảy máu. Ngoài ra, trong một vài trường hợp, đau bụng còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa toàn thân.

Nhìn chung, đa số tất cả mọi người đều từng trải qua tình trạng đau bụng ít nhất một lần trong đời, nhưng hầu hết không quá nghiêm trọng, có thể điều trị được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau bụng cũng có thể là triệu chứng cảnh báo của một bệnh lý nguy hiểm. Điều quan trọng là mọi người cần nhận ra những dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng và tiến hành thăm khám với bác sĩ sớm.

Vị trí đau bụng cảnh báo những bệnh lý khác nhau

Trong y học, ổ bụng được chia thành 2 vùng chính: vùng trên rốn gọi là thượng vị, vùng dưới rốn gọi là vùng hạ vị, tương ứng với mỗi vùng sẽ có những cơ quan nội tạng tương ứng. Vì thế khi người bệnh có thể dựa vào vị trí cơn đau bụng để phán đoán vùng nội tạng đang bị tổn thương bên trong, cụ thể:

  • Đau ở bụng trên bên phải: thường do giun chui ống mật, viêm màng phổi bên phải, viêm bể thận của thận bên phải, viêm gan, ung thư gan…
  • Đau ở bụng trên bên trái: đa phần nguyên nhân do viêm tuyến tụy cấp, viêm màng phổi dưới bên trái, viêm bể thận của thận bên trái, thậm chí ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng…
  • Đau ở chính giữa bụng trên: đây là tình trạng thường thấy trong bệnh viêm dạ dày cấp tính, viêm loét đường tiêu hóa, viêm màng tim…
  • Đau ở bụng dưới bên phải: có thể do ký sinh trùng amip, viêm ruột thừa cấp tính…
  • Đau ở bụng dưới bên trái: thường do bệnh lỵ trực khuẩn, bí đại tiện…
  • Đau xung quanh rốn: nguyên nhân thường do giun đũa, dị ứng thức ăn, viêm ruột, viêm ruột non do xuất huyết cấp tính, lồng ruột, tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc….
  • Đau ở bụng và vùng thắt lưng: có thể gặp trong trường hợp viêm bể thận, sỏi thận.

Những triệu chứng đi kèm với đau bụng cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng

Đau bụng có thể khác nhau về cảm giác, cơn đau có thể âm ỉ hoặc có cảm giác nóng rát, cơn đau cũng có thể lan ra sau lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Đau bụng cũng có thể khác nhau về cường độ, thời gian và tần suất. Cơn đau bụng có thể xuất hiện đột ngột, tự thuyên giảm hoặc ngày càng nặng hơn. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng đi kèm với cơn đau bụng mà người bệnh nên chú ý, cụ thể:

Đau bụng đi kèm với ớn lạnh, run rẩy

Đau bụng kèm theo lạnh người, run rẩy hoặc rùng mình đặc biệt cảm giác đau nhiều ở hố chậu và bụng dưới thường là những triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như: viêm ruột thừa, viêm đại tràng cấp do amip, thủng ruột do thương hàn, tắc ruột, cơn đau quặn thận, ở nữ giới có thể các bệnh lý phụ khoa như nang buồng trứng bị xoắn,…

Bên cạnh đó, những người bị đau bụng kèm theo lạnh người thường bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, gây viêm và kích ứng ở đường tiêu hóa hoặc tiết niệu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tình trạng đau bụng kèm theo lạnh người còn có thể do các nguyên nhân khác như nhiễm độc chì, dị ứng, thiếu canxi hoặc do các bệnh nhiễm khuẩn khác như: cảm, sốt rét, thương hàn…

Đau bụng theo từng cơn

Nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng quằn quại, dữ dội từng cơn liên tục và kéo dài thì bệnh nhân không nên chủ quan, bởi vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý bao gồm:

  • Nhiễm giun: Bệnh nhân có thể đau bụng từng cơn trong trường hợp có giun ký sinh trong bụng. Đặc biệt, nếu giun chui vào ống mật sẽ gây ra đau bụng trên, đau dữ dội từng cơn và  toát mồ hôi nhiều.
  • Rối loạn tiêu hóa rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột: Sự co thắt bất thường của các cơ trong hệ tiêu hóa có thể gây ra triệu chứng đau bụng từng cơn, đau quặn bụng kèm theo những bất thường về đại tiện. Ngoài ra, bệnh còn có biểu hiện khác như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn.
  • Hội chứng ruột bị kích thích do viêm đại tràng: Nguyên nhân do viêm đại tràng co thắt do rối loạn chức năng nhưng chưa có tổn thương. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ thành từng cơn, có thể sờ thấy cục cứng ở bên phải bụng, kèm theo táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu.
  • Đau dạ dày cấp: với các triệu chứng điển hình như bụng đau từng cơn, tức căng và nóng ran tại vị trí bụng trên hoặc xung quanh rốn. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể có thêm các triệu chứng như buồn nôn, nôn ra thức ăn, ợ hơi, ợ chua.
  • Các bệnh lý về gan mật tụy: Các bệnh liên quan đến gan mật có triệu chứng đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ từng cơn, tùy theo tình trạng bệnh có thể kể đến như: áp xe gan, túi mật, sỏi túi mật, sỏi ống mật, viêm tụy, cơ hoành co thắt, viêm ruột thừa…
  • Các bệnh phụ khoa: Nếu xảy ra tình trạng bụng đau từng cơn dữ dội liên tục, nhất là đến thời kỳ kinh nguyệt, cùng với đó là các triệu chứng nặng nề, tức căng, rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu bệnh nhân mắc các bệnh phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng….
  • Viêm vùng chậu: với các dấu hiệu như thường xuyên đau bụng dưới từng cơn cùng với cảm giác buồn tiểu, đau vùng tử cung

Đau bụng về đêm

Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo một vài nguy cơ  tiềm ẩn về sức khỏe, cụ thể:

  • Trào ngược axit: Đau bụng trên rốn về đêm, ói, đầy hơi, đau họng… đặc biệt là đối với những đối tượng nguy cơ cao như: thừa cân, uống nhiều rượu, bia, nằm ngay sau khi ăn, ăn no quá mức, đặc biệt là gần giờ lên giường đi ngủ, ăn nhiều thực phẩm dễ gây khó tiêu như các món cay, nhiều dầu mỡ, chiên xào hoặc ăn sô-cô-la, uống cà phê…
  • Loét ở dạ dày, ruột: Cơn đau bụng có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ăn cũng như khi đói và ban đêm thường là khoảng thời gian thích hợp cho tình trạng này xảy ra, một số tác nhân có thể gây ra tình trạng này như: nhiễm vi khuẩn H. pylori, lạm dụng hoặc sử dụng kéo dài các thuốc chống viêm không steroid
  • Sỏi mật: túi mật là một cơ quan nhỏ bên dưới gan có nhiệm vụ giải phóng mật, phục vụ cho quá trình tiêu hóa. Khi dịch mật tích tụ đủ lâu, sẽ hình thành nên các khối sỏi cứng. Khi sỏi mật gây tắc nghẽn trong hệ thống ống của túi mật, gan hoặc tuyến tụy sẽ gây ra cơn đau bụng về đêm. Tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn sau những bữa ăn nhiều chất béo
  • Sỏi thận: Khi sỏi thận bắt đầu từ thận di chuyển vào niệu quản, người bệnh có thể bị đau đột ngột, dữ dội ở lưng. Cơn đau đó có thể lan đến khu vực dạ dày và bụng về ban đêm.
  • Hội chứng ruột kích thích: cảm giác đau bụng về đêm bên cạnh những triệu chứng khác, chẳng hạn như đầy bụng, ợ hơi… sau khi ăn. Hội chứng tiêu hóa này khá phổ biến, nhất là đối với những người dưới 50 tuổi.
  • Do đau bụng kinh hoặc lạc nội mạc tử cung: tình trạng đau bụng, đầy hơi và khó chịu thường xảy ra trong kỳ kinh nguyệt, khi niêm mạc tử cung bị bong ra. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung các mô của niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức bên ngoài tử cung, gây đau bụng kéo dài.
  • Viêm ruột thừa: Tình trạng này thường hiếm gặp với triệu chứng đau bụng dữ dội xảy ra đột ngột và không có lý do rõ ràng

Có thể thấy, đau bụng có thể là triệu chứng của các bệnh thông thường, nhưng cũng có thể là những dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm khác. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý quan sát các dấu hiệu kèm theo, và tiến hành thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân bệnh lý một cách chính xác nhất. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những dấu hiệu đau bụng cần đi khám ngay

Trong trường hợp cơn đau bụng kéo dài nhiều ngày hoặc kèm bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa:

  • Đau bụng kéo dài hơn 48 giờ
  • Táo bón kéo dài
  • Nôn mửa
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Sốt
  • Ăn không ngon
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Ngoài ra, các triệu chứng nguy cấp sau có thể cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, càng nhiều triệu chứng thì tình trạng càng nghiêm trọng:

  • Bụng căng cứng và chỉ mềm khi chạm vào
  • Có máu trong phân hoặc chất nôn
  • Táo bón kèm theo nôn mửa
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể
  • Cảm thấy khối phồng trong bụng
  • Mạch nhanh hoặc thở nhanh
  • Đau dữ dội lan từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác như ngực, cánh tay, cổ, hàm hoặc vai
  • Vàng da, vàng mắt

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám