Lợi ích từ chăm sóc sức khỏe răng miệng – Tại PKĐK DOCTOR HELP BUÔN MA THUỘT

Lợi ích từ chăm sóc sức khỏe răng miệng

Răng miệng là cửa ngõ của bộ máy tiêu hóa, do vậy việc chăm sóc sức khỏe răng miệng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Liên đoàn nha khoa Thế giới FDI (FDI World Dental Federation) chọn ngày 20 tháng 3 hàng năm là Ngày sức khỏe răng miệng thế giới. Ngày này đã được tổ chức và hưởng ứng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, việc giáo dục và trang bị kiến thức chăm sóc răng miệng cho trẻ em, nhất là các em học sinh ở bậc tiểu học là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, góp phần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, tập thói quen giữ răng miệng luôn sạch, khỏe, giảm thiểu tối đa những bệnh lý về răng miệng.

  • Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về các bệnh răng miệng.
  • Hơn 90% người dân mắc phải các vấn đề về răng miệng. Đặc biệt, sâu răng và viêm lợi là 2 bệnh phổ biến.
  • Điều đáng buồn là có trên 50% dân số chưa quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng.
  • Theo điều tra của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, 85% trẻ em lứa tuổi từ 6-8 bị sâu răng sữa.
  • Tình trạng sâu răng cũng tăng dần theo lứa tuổi. Về tình trạng sâu răng vĩnh viễn, ở lứa tuổi từ 6-8 có hơn 25% trẻ bị sâu răng, nhóm tuổi từ 9-11 tuổi với 54% trẻ bị sâu răng và mức độ sâu răng cũng nhiều hơn so với nhóm trẻ từ 6-8 tuổi.
  • Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương có từ 80-90% trẻ em răng bị lệch lạc, do răng sữa sâu không được điều trị thích hợp; 2/3 số trẻ em từ 6-14 tuổi không bao giờ đi khám răng miệng.
  • Tại Đắk Lắk, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức các buổi tuyên truyền về lợi ích chăm sóc răng miệng, cách vệ sinh răng miệng, chế độ ăn uống để có hàm răng khỏe mạnh… Nhằm cải thiện tình trạng răng miệng cho trẻ học đường, thời gian qua,
  • Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Phối hợp với các trường học khám răng miễn phí cho trẻ; hàng năm truyền thông Hưởng ứng ngày Sức khỏe răng miệng Thế giới; tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con em; lồng ghép tuyên truyền về răng miệng trong các buổi học cho học sinh…
  • Năm 2022, đơn vị đã triển khai công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng và trám răng dự phòng cho hơn 500 học sinh của 5 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng của trẻ.
  • Thông qua đó đã giúp cho các cán bộ làm công tác y tế trường học, phụ huynh và học sinh nâng cao thêm kiến thức, góp phần đảm bảo việc phòng chống bệnh răng miệng cho trẻ đạt hiệu quả.

Bác sỹ chuyên khoa I Bế Thị Thùy Nhiên, Phụ trách Khoa Sức khỏe môi trường- Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tỷ lệ người mắc các bệnh về răng miệng tương đối cao, nhưng số người có kiến thức chăm sóc, dự phòng căn bệnh này lại rất thấp. Đặc điểm chung là bệnh thường gặp ở những người không có thói quen khám răng miệng định kỳ, đến khi đi khám, bệnh đã phát triển ở mức độ nặng và có thể gây biến chứng. Để trẻ có hàm răng chắc khỏe, phát triển tốt, gia đình cần phối hợp với nhà trường hướng dẫn cho con biết cách giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, sức miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc súc miệng bằng dung dịch fluor 0,2% hàng tuần đúng phương pháp. Bố mẹ nên tập thói quen cho con đánh răng mỗi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ở các trường học cần giáo dục kiến thức chăm sóc răng miệng; khám, tư vấn và điều trị các bệnh răng miệng cơ bản cho học sinh.

Để trẻ hình thành thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vai trò của gia đình rất quan trọng. Chị Trương Thị Thanh (trú tại phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, chị có con nhỏ học lớp 3. Để phòng, chống bệnh răng miệng cho con, chị thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cháu vệ sinh răng miệng đúng lúc, đúng cách. Khi cháu chưa mọc răng, chị cho cháu vệ sinh lợi bằng gạc mềm thấm nước ấm sạch hoặc nước muối pha sẵn. Khi cháu bắt đầu mọc răng và lần lượt thay răng, chị theo dõi và dạy cháu đánh răng đúng cách. Đồng thời, tăng cường thức ăn giàu protein, canxi, phốt pho, vitamin A và D… giúp cho răng của cháu phát triển tốt.

Hiện nay, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhiều bệnh lý răng miệng, nhất do thói quen hay ăn quà vặt, chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Ở tỉnh ta, nhiều năm trở lại đây, hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em tại trường học đã có những bước tiến mới. Ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai Chương trình y tế trường học, nha học đường, giúp nâng cao ý thức chăm sóc răng miệng trong học sinh. Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng luôn được các nhà khoa học, nha sĩ nhắc nhở, khuyến khích mọi người nên thực hiện thường xuyên vì những lợi ích mà nó mang lại. Thao tác đánh răng đúng cách sẽ loại bỏ những mảng bám trên bề mặt răng, giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ, hạn chế tối đa các bệnh do vi khuẩn gây nên như sâu răng, viêm lợi. Một hàm răng được chăm sóc cẩn thận được trắng sáng, hơi thở trong miệng cũng sẽ thơm tho giúp hàm răng có tính thẩm mỹ cao, chúng ta tự tin hơn trong mọi hoạt động giao tiếp hàng ngày mà không phải ngại ngùng. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng hiệu quả nhất. Theo các nhà nghiên cứu, các bệnh răng miệng có sự ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. Khi sức khỏe của răng miệng tốt giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể tốt lên, tránh được các bệnh viêm nhiễm khác…

Sức khỏe răng miệng là yếu tố quan trọng đánh giá sức khỏe chung của mỗi người. Để hạn chế các bệnh răng miệng cho trẻ học đường, ngoài những chiến lược quốc gia, các bậc phụ huynh nên tập thói quen đánh răng thường xuyên cho con, ít nhất 2 lần/ngày hoặc ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối. Cần lưu ý đến chế độ ăn uống, cho trẻ ăn nhiều những thức ăn như trái cây, ngũ cốc, giảm những thức ăn nhiều đường. Nên hạn chế cho trẻ ăn vặt giữa các bữa chính để giảm làm tổn thương men răng; khi ăn vặt, cần chọn những thức ăn bổ dưỡng như phô mai, rau tươi, sữa chua không đường hay trái cây. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra răng cho trẻ. Nếu phát hiện răng trẻ có những đốm đen thì cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Những trẻ có sức khỏe răng miệng tốt vẫn nên đến nha sĩ 1 lần/năm. Với những trẻ bị nhiều lỗ trám, lỗ sâu hay các vấn đề răng miệng khác, nên đến gặp nha sĩ ít nhất 6 tháng/lần.

Huyền Nguyễn

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám