Mụn cóc là sự tăng sinh lành tính của da và niêm mạc do vi rút u nhú ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc dễ lây lan và rất phổ biến, thường gây nhiều khó chịu cho người bị bệnh. chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, và thường phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Vậy mụn cóc có tự hết không? Có ngứa không?
Tổng quan về mụn cóc
Hiện nay, hơn 100 loại HPV đã được xác định. Một số loại HPV có xu hướng lây nhiễm trên da tại các vị trí giải phẫu cụ thể; tuy nhiên, mụn cóc HPV có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Các biểu hiện lâm sàng chính của nhiễm trùng HPV bao gồm mụn cóc thông thường, mụn cóc sinh dục, mụn cóc phẳng và mụn cóc lòng bàn tay bàn chân sâu (myrmecia).
Các biểu hiện ít phổ biến hơn của nhiễm trùng HPV bao gồm tăng sản biểu mô khu trú (bệnh Heck), chứng loạn sản biểu bì verruciformis và u nang plantar. Mụn cóc lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các vết thương hở của da và niêm mạc. (2)
Điều trị mụn cóc thường gặp khó khăn, có thể thất bại và khả năng tái phát cao. Tuy nhiên, một số ít trường hợp mụn cóc tự khỏi trong vòng vài năm ngay cả khi không điều trị.
Một số ít phân nhóm HPV nguy cơ cao có liên quan đến sự phát triển của các khối u ác tính, bao gồm các loại HPV tuýp 6, 11, 16, 18, 31 và 35. Biến đổi ác tính thường thấy nhất ở những bệnh nhân bị mụn cóc sinh dục và ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. HPV týp 5, 8, 20 và 47 có khả năng gây ung thư ở bệnh nhân loạn sản thượng bì dạng mụn cóc.
Một số loại mụn cóc thường gặp
Một số loại thường gặp do HPV gây ra bao gồm:
1. Mụn cóc Plantar
Chủ yếu xảy ra ở mắt cá chân, lòng bàn chân và ngón chân, đôi khi được gọi là verrucas. Chúng có thể trở nên khá lớn. Vì lòng bàn chân phải chịu trọng lượng cơ thể nên mụn cóc ở lòng bàn chân không mọc ra bên ngoài như các loại mụn cóc khác. Chúng bị đẩy vào trong khi bạn đứng hoặc đi bộ. Điều này có thể gây đau hoặc nhạy cảm do áp lực. Nó cũng gây khó khăn cho việc điều trị loại mụn cóc này.
2. Mụn cóc thông thường
Là sự phát triển trên da có kích thước từ kích thước đầu ngón tay đến kích thước hạt đậu. Chúng cứng lại, khiến chúng sần sùi và có vảy khi chạm vào. Mụn cóc thông thường thường thấy ở mu bàn tay, ngón tay, vùng da quanh móng tay và trên bàn chân.
3. Mụn cóc phẳng
Là những mụn cóc nhỏ, hơi nhô lên, thường chỉ rộng vài mm. Đôi khi chúng có màu nâu nhạt. Chúng thường được tìm thấy nhiều nhất trên mặt, đặc biệt là trên trán và má. Bàn tay và cánh tay dưới cũng thường bị ảnh hưởng.
4. Mụn cóc ghép mảnh
Là một mảng các mụn cóc gần nhau kết lại. Chúng thường được tìm thấy trên lòng bàn chân hoặc dưới các ngón chân, nhưng cũng có thể lan rộng và bao phủ các khu vực lớn hơn trên toàn bộ lòng bàn chân.
5. Mụn cóc dạng sợi
Có hình dạng giống như sợi chỉ, có gai. Bởi vì chúng thường xuất hiện trên mặt và đôi khi trông giống như những chiếc bàn chải nhỏ, chúng thường được coi là đặc biệt khó chịu.
6. Mụn cóc sinh dục (hay sùi mào gà)

Cục u có hình dạng giống như súp lơ màu xám hoặc trắng nhạt, lây truyền qua đường tình dục và thường mọc ở vùng sinh dục. Một số mụn cóc sinh dục phổ biến là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
7. Mụn cóc ở miệng
Là nhiễm trùng HPV ở miệng, thường ở niêm mạc môi dưới. Cũng thấy khắp niêm mạc miệng hoặc nướu và hiếm khi ở lưỡi. Tổn thương là nhiều sẩn đỉnh phẳng hoặc hình vòm, màu trắng – hồng, Ɵ =1-5 mm, các tổn thương kết nhau thành mảng. Gặp nhiều nhất ở trẻ em gốc Ấn Độ hoặc người Eskimo (Inuit) Mỹ.
Mụn cóc có tự hết không?
Có! Khoảng 25% mụn cóc có thể tự biến mất trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, 65% mụn cóc thậm chí có thể mất đến hai năm nếu không nhận được sự can thiệp y tế. Trong khi đó, virus gây mụn cóc có thể lây lan sang các bộ phận khác, dẫn đến cơ thể mọc nhiều mụn cóc hơn.
Một số trường hợp Mụn cóc có thể tồn tại từ tháng này qua tháng khác, thậm chí từ năm này qua năm khác nếu không được điều trị. Vì vậy, thay vì ngồi chờ cho mụn cóc tự hết, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn cách điều trị mụn cóc hiệu quả, trước khi mụn cóc lan rộng trên cơ thể để lại hậu quả xấu cho làn da.
Mụn cóc mới xảy ra thường xuyên hơn gấp 3 lần ở trẻ em đã mọc mụn cóc so với trẻ em chưa mọc mụn cóc. Ngoài ra bác sĩ không khuyến nghị người bệnh chờ đợi có nhiều mụn cóc hoặc những người đã bị mụn cóc hơn 2 năm. Cách an toàn nhất trong những trường hợp này chính là đi đến các bệnh viện uy tín để các bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân, tránh để mụn cóc có cơ hội phát triển trong tương lai.
Mụn cóc có gây ngứa không?
Có! Mặc dù không phải tất cả mụn cóc đều ngứa nhưng mụn cóc ngứa là điều hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân da xuất hiện mụn cóc là do nhiễm virus HPV (virus gây u nhú ở người). Virus này có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau thông qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh.
Khi virus xâm nhập vào da thông qua vết thương hở, chúng sẽ làm cho các tế bào phát triển một cách không kiểm soát dẫn đến việc hình thành các nốt sần sùi trên bề mặt da. Những nốt này được bao phủ bởi lớp da khô, bị kích ứng nên thường gây ngứa.
Phát hiện bị mụn cóc nên làm gì?
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của mụn cóc nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và đưa ra lộ trình trị mụn thích hợp trước khi mụn lây lan sang các vùng da khác hoặc lây cho những người xung quanh. Trong quá trình điều trị chú ý theo dõi và thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ để vết thương nhanh lành mà không bị nhiễm trùng. Nếu mụn có các biểu hiện bất thường như sưng đỏ, nóng sốt, tấy đỏ, tiết dịch cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử lý kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Mụn cóc phát triển gây đau đớn, có thay đổi bất thường về hình dạng hoặc màu sắc
- Đã hoặc đang điều trị mụn cóc nhưng chúng vẫn tồn tại, lan rộng hoặc tái phát
- Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày
- Bạn không chắc có phải mụn cóc hay không
- Bạn là người trưởng thành và nhiều mụn cóc bắt đầu xuất hiện. Điều này có thể cho thấy hệ thống miễn dịch đang gặp trục trặc
Điều trị mụn cóc như thế nào cho hiệu quả?c
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng một nửa số mụn cóc tự biến mất trong vòng 1-2 năm, chính vì vậy kiên nhẫn chờ đợi sẽ một phương pháp an toàn cho những mụn cóc mới. Nhưng các chuyên gia khuyên nên điều trị càng sớm càng tốt để giảm lượng virus lây lan sang các vùng da khác và có thể giảm nguy cơ tái phát:
- Axit salicylic. Đây là thành phần chính trong aspirin và nó thường là lựa chọn đầu tiên của bạn. Axit salicylic là phương pháp điều trị tại chỗ duy nhất (bôi trực tiếp lên da) rõ ràng vượt trội so với giả dược. Axit salicylic có chi phí thấp, ít tác dụng phụ và có nhiều dạng chế phẩm không kê đơn, bao gồm chất lỏng, gel và miếng dán với nồng độ dao động từ 17% – 40%. Để điều trị mụn cóc, hãy ngâm da trong vòng 10 đến 15 phút, loại bỏ lớp da chết của mụn cóc bằng bàn chà hoặc đá kỳ, sau đó thoa axit salicylic trực tiếp lên mụn cóc. Làm điều này 1-2 lần một ngày trong 12 tuần. Với mụn cóc ở vùng da dày, chẳng hạn như lòng bàn chân, thì dán miếng dán trong vòng vài ngày có thể là phương án tối ưu nhất. Tiếp tục điều trị trong 1-2 tuần sau khi mụn cóc biến mất có thể giúp ngăn ngừa mụn cóc tái phát.
- Liệu pháp áp lạnh: Bác sĩ sẽ áp hoặc phun nitơ lỏng lên mụn cóc và một khu vực nhỏ xung quanh. Nhiệt độ cực lạnh (có thể thấp tới –321 F) làm bỏng da, gây đau, mẩn đỏ và thường là phồng rộp. Loại bỏ mụn cóc theo cách này thường mất 3-4 lần điều trị, cứ 2-3 tuần/lần; nhiều hơn sẽ không có tác dụng. Sau khi da đã lành, thoa axit salicylic sẽ làm da bong ra nhiều hơn. Một số thử nghiệm riêng lẻ cho thấy axit salicylic và liệu pháp áp lạnh có hiệu quả như nhau, với tỷ lệ chữa khỏi từ 50% – 70%, nhưng có một số bằng chứng cho thấy liệu pháp áp lạnh đặc biệt hiệu quả đối với mụn cóc ở tay.
- Băng keo: Mặc dù không phải là cách tiếp cận hiện đại nhưng phương pháp này mang lại rủi ro khá thấp. Nếu định áp dụng phương pháp này cho mụn cóc, bạn nên dùng thử băng keo nhôm. Băng keo có thể lấy đi oxy, hoặc có thể da chết và virus được loại bỏ cùng với băng keo khi tháo băng.
- Thuốc. Khi các liệu pháp tiêu chuẩn không loại bỏ được mụn cóc thì có thể điều trị bằng thuốc theo toa. Thuốc trị liệu miễn dịch tại chỗ imiquimod (Aldara) cũng có thể được sử dụng để điều trị mụn cóc trên da. Imiquimod hoạt động bằng cách gây ra phản ứng dị ứng và kích ứng tại vị trí mụn cóc. Tuy nhiên phương pháp này có thể xảy ra tác dụng phụ và có rất ít minh chứng về độ hiệu quả của thuốc.
- Đốt điện và nạo bỏ. Bác sĩ sẽ ủ tê trực tiếp, sau đó làm khô mụn cóc bằng kim điện và cạo nó đi bằng một dụng cụ giống như cái muỗng gọi là nạo. Điều này thường gây ra sẹo (tương tự với phẫu thuật loại bỏ mụn cóc). Phương pháp này chỉ dành riêng cho mụn cóc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và được tránh sử dụng ở lòng bàn chân.
- Liệu pháp quang động: Trong một nghiên cứu, liệu pháp quang động với axit 5-aminolevulinic tại chỗ được bôi lên mụn cóc, sau đó là quá trình kích hoạt quang học bằng đi-ốt phát sáng 633 nm màu đỏ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần giúp cải thiện 68%
- 5-Fluorouracil: là một tác nhân hóa trị liệu tại chỗ chủ yếu được sử dụng để điều trị dày sừng quang hóa, có hiệu quả trong điều trị mụn cóc khi được sử dụng dưới dạng băng kín hàng ngày trong tối đa 1 tháng, đã được sử dụng ở trẻ em.
- Laser CO2: bác sĩ sẽ dùng chùm ánh sáng năng lượng cao để phá hủy sang thương mụn cóc. Phương pháp này tuy thực hiện nhanh nhưng bệnh nhân cần được ủ tê hoặc tiêm tê tại chỗ để giảm đau, sau khi thực hiện thủ thuật cần phải chăm sóc vết thương cẩn thận để tránh nhiễm trùng và có thể sẽ để lại sẹo
Biện pháp phòng ngừa mụn cócVì mụn cóc do virus gây ra nên chúng dễ dàng lây lan giữa người với người và thậm chí lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Việc áp dụng các mẹo phòng ngừa cơ bản sẽ giúp mụn cóc lành nhanh hơn hoặc tránh mụn cóc mọc trong tương lai:- Rửa tay nhiều lần hàng ngày bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người khác hoặc sử dụng phòng tắm chung.
- Băng hoặc cha chắn các vết thương hở, vết loét hoặc vết phồng rộp để tránh vi rút HPV xâm nhập.
- Không chạm vào những mụn cóc của chính mình, vì có thể khiến chúng lan rộng hơn.
- Luôn sử dụng giày lội nước hoặc dép lê khi ở trong phòng tập thể dục hoặc phòng thay đồ.
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn