Rụng tóc khiến nhiều người tự ti về ngoại hình, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Do đó, cần sớm xác định nguyên nhân gây rụng tóc để có hướng điều trị phù hợp, lấy lại mái tóc đẹp, óng mượt, chắc khỏe. Vậy rụng tóc là gì? 18 nguyên nhân và dấu hiệu thường gặp sau đây có thể giúp nhận biết, từ đó cải thiện tình trạng rụng tóc.
Rụng tóc là gì?
Rụng tóc là tình trạng tóc rụng nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Rụng tóc có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết, tóc sẽ rụng 100 sợi mỗi ngày. Đây là 1 phần trong chu kỳ phát triển của tóc, tóc mới sẽ mọc và thay thế những sợi đã rụng. Khi tóc rụng nhiều hơn 100 sợi và không mọc lại, tình trạng này được gọi là rụng tóc.

Mối liên hệ giữa rụng tóc và hói đầu
Rụng tóc chỉ ảnh hưởng đến da đầu hoặc toàn bộ cơ thể. Tình trạng này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân gây rụng tóc thường do di truyền, nội tiết tố thay đổi, quá trình điều trị bệnh hoặc lão hóa.
Hói đầu là hệ quả của việc rụng tóc quá nhiều. Rụng tóc di truyền là nguyên nhân phổ biến của chứng hói đầu. Không ít người tự ti khi bị hói đầu, người bệnh chọn cách che giấu bằng việc đội tóc giả, nón hoặc khăn quàng cổ. Trong khi những người khác thì thấy hói đầu là bình thường.
Nguyên nhân gây rụng tóc bất thường
Rụng tóc do nhiều nguyên nhân, gồm:
1. Thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ mang thai, trong giai đoạn mãn kinh hoặc sau khi sinh con, nội tiết tố ở những giai đoạn này thay đổi đột ngột khiến tóc mỏng do nang tóc co lại, từ đó tóc mọc chậm và dễ gãy rụng hơn.
2. Căng thẳng, stress, trầm cảm
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh những gốc tự do gây hại cho nang tóc, khiến bộ phận này nghỉ ngơi sớm, ảnh hưởng đến tốc độ mọc tóc, thậm chí làm tóc rụng nhiều.
3. Di truyền
Rụng tóc có thể do di truyền. Nếu trong gia đình có người bị rụng tóc dẫn đến hói đầu, khả năng cao con cái cũng gặp phải trường hợp tương tự.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc làm tan máu tụ, trị mụn trứng cá giàu vitamin A, các loại steroid đồng hóa, trị viêm khớp, gút, thuốc trầm cảm, trị bệnh tim hoặc tăng huyết áp, thuốc sử dụng trong hóa trị ung thư… có thể gây rụng tóc. Tuy nhiên khi ngưng sử dụng những loại thuốc này, tóc sẽ nhanh chóng mọc trở lại.
5. Nấm da đầu
Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em. Bệnh gây rụng tóc nhưng nếu được thăm khám, điều trị đúng cách, tóc sẽ nhanh mọc trở lại.
6. Kéo hoặc tác động lực mạnh lên tóc
Xảy ra do hội chứng nghiện giật tóc Trichotillomania. Hội chứng nghiện giật tóc có thể dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương da và rụng tóc vĩnh viễn. Trong trường hợp cực đoan, 1 số trường hợp né tránh giao tiếp nhằm che giấu việc bản thân nghiện giật tóc.
7. Môi trường ô nhiễm
Không khí ô nhiễm, độ ẩm cao, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến da đầu khô, tóc xơ rối dễ gãy rụng.
8. Chăm sóc tóc sai cách
Nhuộm, uốn hoặc duỗi tóc có thể làm mỏng tóc. Theo thời gian, tóc sẽ gãy rụng.
9. Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng
Khẩu phần ăn thiếu sắt, biotin hoặc protein, các nang tóc không được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết để nuôi tóc, từ đó tóc khô, yếu và dễ gãy rụng.
10. Hóa chất
Lạm dụng các sản phẩm tạo kiểu như uốn, tẩy có thể gây hư tổn, xơ rối, khiến tóc dễ gãy rụng.
11. Nhiễm độc
Asen, thallium, thủy ngân và lithium. Nếu nuốt phải 1 lượng lớn warfarin (chất có trong thuốc diệt chuột) cũng gây rụng tóc.
12. Ảnh hưởng của bệnh mạn tính
Đái tháo đường, lupus, tuyến giáp, vảy nến da đầu,… Cụ thể, khi mắc đái tháo đường, mạch máu dễ tổn thương do lượng đường tăng cao. Lúc này, lượng oxy đến các nang tóc bị ức chế, kìm hãm sự phát triển của nang tóc khiến tóc gãy rụng.
13. Các phương pháp điều trị bệnh
Hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu, cổ có thể làm tóc rụng toàn bộ. Rụng tóc xảy ra do hậu quả thứ phát của việc sử dụng hóa trị và xạ trị. Mức độ rụng tóc sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc đang dùng, liều lượng và tần suất điều trị. Trong khi 1 số bệnh nhân chỉ bị rụng tóc nhẹ thì những người khác có thể rụng tóc nhiều hơn.
14. Tuổi tác
Quá trình lão hóa khiến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch suy giảm làm cho tóc cũng yếu, dễ bị gãy rụng và đổi màu. Do đó, ở tuổi trung niên bắt đầu xuất hiện tóc bạc, tóc rụng nhiều, mỏng hơn khi còn trẻ.
15. Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
Giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể gây rụng tóc từng mảng trên da đầu, lông mày, râu.
Dấu hiệu rụng tóc dễ nhận biết
1. Mỏng dần trên đỉnh đầu
Đây là loại rụng tóc phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi. Ở nam giới, tóc bắt đầu rụng ở phần tóc phía trên trán. Với phụ nữ, rụng tóc thường thấy khi đường chân tóc bị tụt (hay rụng tóc xơ hóa phía trước).
2. Các đốm hói hình tròn hoặc loang lổ
Ở 1 số trường hợp, tóc rụng thành những đốm hình tròn hoặc loang lổ trên da đầu. Trước đó, da có thể ngứa hoặc đau trước khi rụng tóc.
3. Tóc rụng đột ngột
Người chịu cú sốc nào đó về thể chất hoặc tinh thần, tâm lý căng thẳng, stress có thể khiến tóc rụng đột ngột, xơ xác. 1 búi tóc có thể rụng khi chải, gội đầu, thậm chí chỉ cần giật nhẹ. Tình trạng này thường làm tóc mỏng đi nhưng chỉ mang tính tạm thời.
4. Rụng tóc toàn thân
Rụng tóc toàn thân xảy ra khi đang điều trị bệnh bằng 1 số phương pháp, chẳng hạn như hóa trị.
5. Các mảng vảy lan rộng trên da đầu
Các mảng vảy lan rộng trên da đầu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng (vi trùng, vi nấm…). Tình trạng này khiến tóc gãy rụng kèm mẩn đỏ, sưng tấy và rỉ dịch.
Yếu tố rủi ro nào tăng khả năng rụng tóc?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc, gồm:
- Tiền sử gia đình bị hói đầu.
- Tuổi tác.
- Giảm cân.
- Người mắc bệnh tiểu đường và lupus.
- Stress, căng thẳng.
- Thiếu hụt dinh dưỡng.
Phân biệt rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý
Rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý 2 trình trạng hoàn toàn khác nhau và được phân biệt bởi những yếu tố sau đây:
1. Rụng tóc sinh lý
Rụng tóc sinh lý (rụng tóc theo vòng đời) là tình trạng tóc mọc rồi dài ra, theo thời gian sẽ rụng dần. Sau khi tóc rụng, 1 lớp tóc mới sẽ mọc để thay thế tóc cũ. Trung bình mỗi ngày có 30 – 100 sợi rụng và sẽ có 1 lượng tóc mới tương đương mọc ra. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và không có gì đáng lo ngại.
2. Rụng tóc bệnh lý
Khi tóc rụng trên 100 sợi mỗi ngày, không rõ nguyên nhân và rụng liên tục trong thời gian dài. Ở 1 số trường hợp, tóc rụng kèm ngứa, da bong tróc, nổi nhiều nốt đỏ. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh da liễu dẫn đến rụng tóc. Các yếu tố khiến tóc dễ gãy rụng gồm: rối loạn thần kinh nội tiết, di truyền, căng thẳng, mất cân bằng dinh dưỡng, viêm nhiễm.
Một số câu hỏi liên quan về rụng tóc
1. Bị rụng tóc nên ăn gì và kiêng gì?
Tóc thiếu dưỡng chất sẽ không chắc khỏe và bóng mượt. Ngược lại, tóc thường khô xơ, dễ hư tổn và gãy rụng. Những thực phẩm sau đây có thể kích thích mọc và giúp tóc chắc khỏe, giảm gãy rụng:
- Các axit béo trong cá hồi, cá ngừ giúp ổn định cấu trúc, cung cấp độ ẩm, làm tóc chắc khỏe, óng mượt. Nên ăn các loại cá nhiều chất béo (cá hồi, cá ngừ) 2 lần/tuần để tóc có độ ẩm, không khô xơ.
- Trứng: nguồn cung cấp protein và biotin.
- Các loại quả mọng nước: chứa nhiều hợp chất có lợi và vitamin C hỗ trợ sự phát triển của tóc. Chất chống oxy hóa có trong những quả mọng nước giúp bảo vệ nang tóc chống lại tác hại từ các phân tử có hại (gốc tự do).
- Rau bina: chứa nhiều chất dinh dưỡng như folate, sắt, vitamin A và C.
- Khoai lang: cung cấp beta carotene. Cơ thể chuyển đổi hợp chất này thành vitamin A. Thiếu vitamin A có thể gây rụng tóc. Tuy nhiên, nên bổ vừa đủ.
- Bơ: nguồn cung cấp chất béo, vitamin E giúp kích thích mọc tóc. Giống như vitamin C, vitamin E là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa stress, trung hòa các gốc tự do.
- Các loại hạt.
Ngoài ra, nên kiêng 1 số thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate: ngũ cốc tinh chế, mì ống,…
- Cá có hàm lượng thủy ngân cao.
- Thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ và thịt đỏ.
2. Rụng tóc nên uống vitamin nào?
Vitamin B đặc biệt là vitamin B6, B12 và biotin! Vitamin B tham gia quá trình phát triển, giúp tóc mọc nhanh và chắc khỏe. Thiếu hụt các loại vitamin này sẽ gây viêm da đầu, tóc dễ gãy rụng. Cụ thể, nên bổ sung:
- Vitamin B3: giúp máu dễ lưu thông lên da đầu. Vitamin B3 có nhiều trong cá, thịt gà, thịt heo, nên bổ sung 15mg vitamin B3 mỗi ngày.
- Vitamin B5: ngăn tóc bạc và rụng. Vitamin B5 có nhiều trong ngũ cốc, lòng đỏ trứng gà. Cần bổ sung 4mg – 7mg vitamin B5 mỗi ngày.
- Vitamin B6: ngừa rụng tóc, tăng cường melanin, giúp tóc luôn đen bóng. Vitamin B6 có trong gan, ngũ cốc, rau xanh, lòng đỏ trứng gà. Lượng vitamin B6 cần thiết mỗi ngày là 1,6mg.
- Vitamin B12: ngừa rụng tóc, có nhiều trong thịt gà, cá, trứng và sữa. Nên bổ sung 2mg vitamin B12 mỗi ngày.
- Vitamin H (Biotin): sản sinh chất sừng, ngăn tóc bạc và rụng. Nguồn thực phẩm có chứa biotin là men bia, ngũ cốc, yến mạch, trứng.
- Vitamin E: giúp tái tạo da, chống lão hóa. Không chỉ có tác dụng với làn da, vitamin E còn giúp nuôi dưỡng da đầu, làm tóc óng mượt. Vitamin E có trong rau xanh, dầu thực vật và đậu tương.
- Inositol và vitamin C: giúp tóc chắc khỏe, có nhiều trong men bia, các loại trái cây thuộc họ cam quýt, dâu tây, kiwi, dứa, cà chua, khoai tây và rau xanh.

3. Tóc rụng có hạt trắng ở chân tóc là gì?
Khi tóc rụng, chân tóc xuất hiện hạt màu trắng mềm, hình bầu dục gần giống như trứng cá. Tình trạng này do vi khuẩn liên tụ cầu proteus hoặc nấm trichophyton gây ra. Người có da đầu nhờn, tiết nhiều mồ hôi có thể dễ bị tình trạng này hơn.
4. Tại sao tóc lại rụng nhiều khi gội đầu?
Khi kích thích da đầu bằng cách gội hoặc dưỡng tóc khiến các nang tóc lỏng lẻo, những sợi tóc vốn yếu, mỏng sẽ dễ gãy rụng khi có lực tác động.
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn