Tăng acid uric máu là một dấu hiệu cảnh báo điển hình của các bệnh Gout và thận. Tình trạng acid uric cao trong máu có thể do tình trạng cơ thể của người bệnh hoặc do thực phẩm. Acid uric tăng cao thường gặp ở những người có thói quen sống không lành mạnh và chế độ dinh dưỡng không khoa học.

Tăng acid uric máu là gì?
Tăng acid uric máu là tình trạng chỉ số acid uric trong máu cao bất thường, xảy ra khi cơ thể phân hủy purin quá mức hoặc không đào thải được acid uric ra khỏi cơ thể. Tăng acid uric là một tình trạng sức khỏe báo động, có thể dẫn đến tổn thương xương, khớp vĩnh viễn, lắng đọng tophi dưới da, cũng như tăng nguy cơ bệnh lý tim và thận.
Acid uric là một chất chuyển hóa có trong máu, là sản phẩm từ quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể người và được đào thải chủ yếu ra khỏi thận (80%) và một phần qua đường ruột (20%). Nồng độ acid uric trong máu cũng sẽ tăng giảm tùy theo chế độ dinh dưỡng. Nồng độ acid uric sẽ gia tăng khi tăng tiêu thụ lượng lớn purin vào cơ thể như các loại thịt đỏ, hải sản có vỏ, rượu bia…
Ngoài ra, nồng độ acid uric máu cũng tăng trong những trường hợp tổn thương thận như suy thận, làm giảm thải trừ acid uric ra khỏi cơ thể. Những bệnh lý đột biến gen gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa purin và đào thải acid uric cũng gây nên tình trạng này.
Tăng acid uric máu trên ngưỡng bão hòa của acid uric sẽ gây ra lắng đọng các tinh thể MSU (monosodium urate) ở các mô như mô khớp, mô dưới da, ống thận, mạch máu…Bệnh gout là biểu hiện của tăng acid uric kéo dài. Tình trạng lắng đọng và hình thành tinh thể MSU có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp với các biểu hiện như sưng nóng đỏ đau các khớp. Ngoài ra, lắng đọng ở thận có thể hình thành sỏi thận.
Chỉ số acid uric bao nhiêu là cao?
Theo các chuyên gia y tế từ tổ chức Medical News Today, nồng độ acid uric bình thường ở người dao động từ 1,5-7 mg/dl. Lượng acid uric bên trong cơ thể nam giới sẽ cao hơn nữ giới khoảng 1 mg/dl. Do đó, một người có tình trạng acid uric máu tăng khi nồng độ của hợp chất này cao hơn 7 mg/dl đối với nam và 6 mg/dl đối với nữ.
Nguyên nhân làm tăng acid uric máu
Nguyên nhân khiến acid uric cao chủ yếu đến từ hàm lượng purin nạp vào trong cơ thể cao hơn mức cần thiết.
Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, môi trường, chế độ dinh dưỡng và thói quen sống là những lý do có thể ảnh hưởng đến sự tăng giảm của acid uric trong cơ thể người.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng acid máu bao gồm:
- Hội chứng chuyển hóa
- Lạm dụng hoặc sử dụng rượu bia thường xuyên
- Người có bệnh sử tăng huyết áp
- Người bị đái tháo đường
- Người ăn không kiểm soát các thực phẩm giàu purine các loại thịt đỏ, hải sản có vỏ…
- Người sử dụng các thuốc lợi tiểu quai, thiazide.

Triệu chứng tăng acid uric máu và gout
Những triệu chứng của tình trạng tăng acid uric trong máu thường thấy là các triệu chứng của bệnh gout và sỏi thận. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, tình trạng acid uric cao sẽ không có dấu hiệu lâm sàng cụ thể để nhận biết. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi tình trạng đã kéo dài một thời gian mà không được điều trị thích hợp, và mức độ bệnh cũng nghiêm trọng hơn. (3)
Những triệu chứng phổ biến của bệnh gout bao gồm:
- Sưng, nóng, đỏ, đau khớp
- Giới hạn vận động các khớp, bệnh nhân đi lại khó khăn.
- Cứng khớp, biến dạng khớp khi bệnh kéo dài
- Nổi hạt tophi dưới da
Triệu chứng của sỏi thận như đau quặn bụng, tiểu ra máu, rối loạn đi tiểu như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục, có mùi hôi nồng hoặc lẫn máu.

Đối tượng có nguy cơ bị acid uric cao
Bất cứ ai cũng có thể bị acid uric máu cao, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy rằng nam giới có khả năng dễ bị tăng acid uric trong máu hơn so với nữ giới. Điều này có thể liên quan đến tính chất công việc và thói quen sinh hoạt của phần lớn nam giới đều có nguy cơ làm acid uric tăng cao trong máu.
Những yếu tố điển hình bao gồm sử dụng rượu bia nhiều, cường độ hoạt động thể chất nặng. Bên cạnh đó, một số bệnh lý cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này như bệnh lý thận, huyết áp cao, đái tháo đường, suy giáp, béo phì, sử dụng thuốc điều trị bệnh tim mạch.
Phương pháp phòng ngừa tăng acid uric trong máu
Phương pháp phòng ngừa tăng acid uric trong máu hiệu quả nhất đến từ quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì chưa xác định cụ thể nguyên nhân trực tiếp gây ra acid uric cao, việc phòng ngừa sẽ tập trung vào việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ các chất. Đảm bảo không hấp thu quá nhiều purine để gây ra rối loạn chuyển hóa. Nhận biết sớm các tình trạng gout và bệnh thận cũng góp phần làm giảm gánh nặng điều trị ở những bệnh nhân tăng acid uric máu.
Cần lưu ý rằng, không nhất thiết phải cắt bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào ra khỏi chế độ ăn nếu không có vấn đề bệnh lý khác hoặc bị dị ứng. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp là chế độ ăn có kiểm soát các lượng chất mà bạn hấp thu vào cơ thể mỗi ngày. Những loại thực phẩm cần kiểm soát cẩn thận hàm lượng dung nạp vào cơ thể để tránh bị acid uric cao gồm:
- Các loại trái cây ngọt, có hàm lượng đường fructose cao
- Nội tạng động vật
- Thịt đỏ
- Hải sản có vỏ
- Đồ uống có cồn

—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn