ĐAU CỔ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Đau cổ là vấn đề thường gặp, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, biểu hiện với nhiều triệu chứng đa dạng, dễ nhận biết. Người bệnh nên theo dõi để điều trị sớm, nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng.

Đau cổ là gì?

Đau cổ là tình trạng các cơn đau xuất hiện trong hoặc xung quanh cột sống bên dưới đầu (cột sống cổ), xảy ra do một số vấn đề bệnh lý hoặc chấn thương. Đau mỏi cổ có thể chỉ kéo dài từ vài ngày đến 6 tuần khi ở mức độ cấp tính hoặc từ hơn 3 tháng đến hàng năm nếu tiến triển đến dạng mãn tính. Cơn đau xuất hiện sẽ gây khó chịu cho người bệnh, cản trở trực tiếp đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Triệu chứng đau cổ thường gặp

Đau cổ rất dễ nhận biết bởi thường xuất hiện với nhiều triệu chứng rõ rệt, bao gồm:

  • Cứng khớp: Đây là vấn đề phổ biến mà nhiều người bệnh gặp phải, đau nhức cổ có thể hạn chế phạm vi chuyển động, gây cản trở nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Đau mỏi cổ: Người bệnh sẽ cảm thấy những cơn đau nhói dữ dội xuất hiện ở một vùng cố định trên cổ.
  • Đau khi cử động: Cơn đau cổ trở nên trầm trọng hơn khi di chuyển hoặc thực hiện các động tác vặn, kéo giãn cột sống cổ.
  • Tê cổ: Cơn đau có thể lan dần đến vùng đầu, thân, vai và cánh tay. Nếu tình trạng đau vùng cổ có liên quan đến sự chèn ép dây thần kinh, người bệnh sẽ cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu dần ở hai cánh tay, bàn tay. Đối với triệu chứng này, việc liên hệ kịp thời với bác sĩ là thực sự cần thiết.
  • Đau đầu: Đau đầu cũng là triệu chứng thường gặp khi đau mỏi cổ. Đây đồng thời cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý đau nửa đầu.
  • Đau khi sờ nắn: Cơn đau cổ tăng lên khi sờ nắn vào cột sống cổ.

Nguyên nhân đau mỏi cổ

Tình trạng đau mỏi cổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số yếu tố chủ yếu phải kể đến gồm: 

1. Sự căng cơ

Sự căng cơ xuất hiện khi cơ thể phải duy trì một tư thế hoặc vận động lặp đi lặp lại trong nhiều giờ. Đó có thể là tư thế cúi người liên tục trước máy tính, điện thoại hay nằm đọc sách trên giường.

2. Bệnh lý cột sống cổ

Khi già đi, rất nhiều người dễ gặp phải tình trạng thoái hóa cột sống cổ. Điều này sẽ khiến không gian giữa các đốt sống bị thu hẹp và làm tăng căng thẳng cho khớp.

Ngoài ra, khi đĩa đệm nhô ra do chấn thương, tủy sống hoặc rễ thần kinh ngay lập tức bị tạo áp lực. Đây còn được gọi là tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, dẫn đến hiện tượng đau mỏi cổ thường gặp.

3. Chấn thương cổ

Cổ rất dễ bị chấn thương, đặc biệt là khi ngã, tai nạn giao thông hoặc va chạm trong thể thao. Lúc này, các cơ và dây chằng buộc phải di chuyển ra khỏi phạm vi bình thường, dẫn đến hiện tượng đau nhức. Ngoài ra, khi đốt sống cổ bị gãy, tủy sống cũng có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

4. Gai cột sống

Khi sụn ở các khớp đốt sống trong cột sống bắt đầu bị thoái hóa, mô xương sẽ cọ xát trực tiếp vào nhau, xương phát triển bất thường dọc theo các cạnh của đốt sống. Đây được gọi là hiện tượng gai xương, thường xảy ra phổ biến khi bắt đầu già đi. Bệnh gai cột sống cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến triệu chứng đau mỏi cổ.

4. Các nguyên nhân khác

  • Nhồi máu cơ tim: Đau cổ cũng là một triệu chứng thường gặp của nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, một số dấu hiệu đi kèm gồm: khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau cánh tay… Trong trường hợp này, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm soát kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
  • Viêm màng não: Đây là tình trạng viêm mô mỏng bao quanh não và tủy sống. Một số triệu chứng đi kèm có thể gồm: cứng cổ, đau đầu, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, sốt… Viêm màng não có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp gây đau, sưng các khớp và gai xương. Tình trạng này xảy ra ở vùng cổ sẽ dẫn đến hiện tượng đau mỏi cổ thường gặp.
  • Đau cơ xơ hóa: Tình trạng này có thể gây đau khắp cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và vai.
  • Loãng xương: Loãng xương khiến xương bị suy yếu và có thể dẫn đến gãy. Tình trạng này thường xảy ra ở tay, đầu gối, cổ.
  • Hẹp ống sống: Đây là tình trạng cột sống bị thu hẹp, gây áp lực lên tủy sống hoặc rễ thần kinh, dẫn đến hiện tượng đau mỏi cổ thường gặp. Nguyên nhân có thể do viêm khớp hoặc các vấn đề bệnh lý khác.

Biến chứng

Về lâu dài, nếu tình trạng đau cổ không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bị mất khả năng vận động linh hoạt các khớp, thậm chí là biến dạng cột sống hoặc chèn ép dây thần kinh. Biến chứng nguy hiểm nhất có thể là tàn phế. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường sau, người bệnh nên liên hệ sớm với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Tình trạng đau hoặc cứng cổ không biến mất sau một vài tuần.
  • Một số thuốc giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen… hoàn toàn không mang lại hiệu quả.
  • Xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như lạnh cánh tay, cảm giác bị châm chích…
  • Xuất hiện khối u bất thường trên cổ.
  • Sốt.
  • Khó nuốt, khó thở.
  • Ngứa ran.
  • Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang.
  • Khó thực hiện động tác chạm cằm vào ngực.

Biện pháp phòng ngừa đau cổ

Đau cổ gây nên rất nhiều phiền toái đối với sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, về lâu dài, tình trạng có thể tiến triển ở mức nghiêm trọng hơn, gây đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết. Một số gợi ý hữu ích như: 

1. Giảm căng thẳng

Tâm lý căng thẳng rất dễ dẫn đến hiện tượng căng ở cổ, vai và lưng. Do đó, việc cân bằng cảm xúc có thể giúp làm giảm tình trạng chứng đau, cứng cổ thường gặp. Một số gợi ý hữu ích như:

  • Nghe nhạc.
  • Thiền.
  • Du lịch.
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Làm những điều mà bản thân cảm thấy thích thú và thoải mái.

2. Tập thể dục thường xuyên

Thói quen tập thể dục đều đặn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, một trong số đó là tăng cường sức mạnh cho cơ, ngăn chấn thương và đau nhức cổ. Tùy theo tuổi tác, cơ địa, khả năng, mỗi người cần lựa chọn bài tập phù hợp để đảm bảo an toàn cũng như đạt được hiệu quả tốt nhất. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo:

  • Trẻ em từ 5 – 17 tuổi: Duy trì thói quen hoạt động thể chất 60 phút mỗi ngày, từ cường độ vừa phải, sau đó tăng dần.
  • Người lớn từ 18 – 64 tuổi: Duy trì thói quen hoạt động thể chất, tốt nhất là aerobic từ 150 – 300 phút mỗi ngày với cường độ trung bình, hoặc ít nhất từ 75 – 150 phút với cường độ cao hơn.

3. Tạo không gian làm việc thoải mái

  • Sử dụng ghế làm việc có độ cao phù hợp, đảm bảo tư thế ngồi thoải mái nhất khi làm việc.
  • Đảm bảo tư thế ngồi đúng, giữ lưng thẳng, cánh tay ngang với bàn làm việc, bàn chân phẳng trên sàn và đầu gối thấp hơn hông một chút.
  • Đặt máy tính ngang tầm mắt, đảm bảo không phải ngửa cổ lên hoặc xuống khi làm việc.
  • Không nên ngồi lâu, thay vào đó nên thường xuyên đi lại để giảm bớt căng thẳng cho cơ thể.

4. Kiểm soát thói quen lạm dụng điện thoại

Thói quen liên tục nhìn điện thoại có thể sẽ tác động lên cơ cổ, gây căng thẳng liên tục và dẫn đến hiện tượng đau nhức. Vì vậy, việc điều chỉnh thời lượng sử dụng điện thoại phù hợp kết hợp thay đổi tư thế cũng là cách để phòng ngừa chứng đau cổ thường gặp.

5. Thay đổi tư thế ngủ của bạn

Tư thế ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cổ. Thực tế, nằm ngửa hoặc nằm nghiêng với lồng ngực và cột sống thẳng hàng sẽ giúp cổ ít mỏi hơn so với nằm sấp. Tuy nhiên, nếu tư thế nằm ngửa kết hợp đặt tay thuận lên trán, ngược lại sẽ gia tăng triệu chứng đau cổ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn một chiếc gối êm ái, có chiều cao phù hợp cũng là vấn đề nên quan tâm để tạo được cảm giác thoải mái nhất cho vùng cổ khi ngủ.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám