HÓI ĐẦU LÀ GÌ? 15 NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Da đầu mỗi người có khoảng 100.000 nang tóc. Một người khỏe mạnh rụng từ 50 – 100 sợi tóc mỗi ngày. Nếu tóc ngày càng mỏng và rụng nhiều hơn bình thường, có thể là dấu hiệu hói đầu. Hầu hết mọi người sẽ rụng tóc khi già đi do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng một số trường hợp khác hói đầu do mắc bệnh tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hói đầu là gì? 15 nguyên nhân gây nên và dấu hiệu nhận biết.

Hói đầu là gì?

Hói đầu là tình trạng tóc rụng nhiều hơn mức bình thường và không cân đối khiến nhiều mảng da đầu xuất hiện khoảng trống, trơn lì và mất lỗ chân lông. Bệnh hói đầu xảy ra ở nam lẫn nữ nhưng nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Mối quan hệ giữa chu kỳ phát triển của tóc và da đầu

Quá trình mọc và rụng tóc khá đơn giản nhưng chu kỳ phát triển của tóc có  4 giai đoạn riêng biệt. Các chu kỳ phát triển của tóc bao gồm:

1. Giai đoạn anagen

Anagen còn gọi là giai đoạn tăng trưởng kéo dài 3 – 5 năm. Trong giai đoạn tăng trưởng các nang tóc sẽ mọc dài ra cho đến khi bị cắt hoặc hết tuổi thọ và rụng đi. Khoảng 90% tóc trên đầu mỗi người đang trong giai đoạn anagen.

2. Giai đoạn catagen

Giai đoạn catagen bắt đầu khi giai đoạn anagen kết thúc và kéo dài trong khoảng 10 ngày hoặc lâu hơn. Trong thời kỳ này, các nang tóc co lại và mọc chậm hơn. Tóc cũng tách ra khỏi đáy nang tóc và không mọc dài thêm trong những ngày cuối chu kỳ catagen. Chỉ có khoảng 5% số tóc trên da đầu ở trong giai đoạn catagen tại bất kỳ thời điểm nào.

3. Giai đoạn telogen

Giai đoạn này tóc bước vào thời kỳ thoái hóa và kéo dài khoảng 3 tháng. Ước tính có 10% – 15% tóc trên da đầu ở giai đoạn telogen. Ở thời kỳ này tóc không dài hơn và cũng không rụng đi.

4. Giai đoạn tăng trưởng mới

Trong giai đoạn này tóc rụng khỏi da đầu qua việc gội đầu hoặc chải tóc. Rụng tóc từ 50 – 100 sợi mỗi ngày ở thời điểm này là bình thường. Giai đoạn tăng trưởng mới thường kéo dài 2 – 5 tháng, các sợi tóc cũ sẽ rụng đi và các sợi tóc mới sẽ mọc ra từ chân tóc và chu kỳ tăng trưởng trở lại.

Các kiểu hói đầu phổ biến

Hói đầu tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng khiến nhiều người tự ti. Hói tóc ở nam dễ nhận biết hơn nữ giới qua các kiểu hói phổ biến sau:

  • Kiểu chữ M: Tóc rụng ở hai bên trán hay con gọi là trán hói, từ thái dương đi sâu vào trong tạo thành chữ M.
  • Kiểu chữ U: Tóc rụng nguyên phần trán và tiến vào đỉnh đầu tạo thành chữ U. Kiểu hói này còn gọi là hình móng ngựa.
  • Kiểu chữ O: Tóc rụng giữa đỉnh đầu và tạo hình tròn với nhiều kích thước khác nhau.

Nguyên nhân bị hói đầu

Hói đầu bắt nguồn từ sự suy yếu các tế bào mầm tóc, dẫn tóc gãy rụng với số lượng nhiều hơn mức bình thường và liên tục. Và nguyên nhân dẫn đến bị hói đầu bao gồm:

1. Rối loạn thần kinh nội tiết

Mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hói tóc ở cả nam và nữ. Bên cạnh đó, chứng hói tóc ở nam giới liên quan mật thiết đến hậu nội tiết tố nam.

2. Tuổi tác

Khi bước vào tuổi trung niên, cơ thể có nhiều thay đổi như xương khớp không còn linh hoạt, da mỏng hơn và tóc cũng dễ rụng. Theo tuổi tác, da dầu tiết ra ít dầu hơn khiến tóc yếu, dễ gãy rụng và bắt đầu xuất hiện tóc bạc. Đây được xem là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

3. Mang thai và cho con bú

Trong thời kỳ mang thai nồng độ estrogen tăng mạnh làm thay đổi chu kỳ mọc tóc tạm thời. Phụ nữ mang thai dễ dàng nhận thấy tóc nhanh dài, ít rụng hơn bình thường. Sau khi sinh, nồng độ estrogen trở lại bình thường và tóc rụng nhiều hơn. Các bà mẹ sẽ nhận thấy tóc mỏng hoặc thậm chí là hói, nhưng không cần lo lắng vì rụng tóc sau sinh chỉ xảy ra tạm thời sau một thời gian sẽ mọc lại.

Ngoài ra, trong thời gian cho con bú, nếu dinh dưỡng không đầy đủ, cơ thể người mẹ thiếu hụt một số chất vi lượng như canxi, sắt, kẽm… cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.

4. Do vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp giáp hoạt động kém hoặc quá mức đều dẫn đến rụng tóc vì hormone tuyến giáp điều chỉnh gần như mọi chức năng trong cơ thể bao gồm sự phát triển của tóc. Các bệnh tự miễn dịch tuyến giáp gây hói đầu chẳng hạn như bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto và bệnh Graves.

5. Căng thẳng (stress)

Tâm trạng căng thẳng, lo âu quá mức dẫn đến thay đổi chu kỳ phát triển của tóc, đẩy tóc vào giai đoạn nghỉ ngơi nhanh hơn bình thường.

6. Di truyền

Hói đầu do di truyền phổ biến ở nam, thường được gọi là rụng tóc do nội tiết tố nam. Nếu người thân bị hói, thì các thành viên nam khác trong gia đình cũng có nguy cơ cao. Hầu hết trường hợp hói tóc do di truyền liên quan đến sự gia tăng nồng độ nội tiết tố nam, khiến các nang tóc teo lại, làm suy yếu các tế bào mầm tóc.

Hậu quả là giai đoạn mọc tóc ngắn hơn bình thường, dẫn đến giảm mọc và tăng tình trạng rụng. Và tùy thuộc vào tiền sử gia đình mà biểu hiện của chứng hói đầu di truyền bắt đầu sớm hay muộn.

7. Hóa chất làm tóc

Việc lạm dụng các thuốc uốn, duỗi hoặc nhuộm hay dùng dầu gội, dầu xả, kem dưỡng tóc,… làm tăng nguy cơ lượng tóc rụng.

8. Bệnh lý

Các bệnh làm tình trạng rụng tóc thêm trầm trọng và tăng nguy cơ hói đầu như các bệnh liên quan đến tuyến giáp, lupus ban đỏ, tiểu đường, bệnh thương hàn, lao… Ngoài ra, các đấng mày râu hói đầu có liên quan đến bệnh yếu sinh lý ở nam giới.

9. Tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, gút, huyết áp, trầm cảm và tim mạch… gây rụng tóc.

10 Hóa trị, xạ trị

Những người phải điều trị bệnh bằng phương pháp hóa trị, xạ trị tóc có thể không mọc lại như trước hoặc mọc lên nhưng rất mảnh và yếu, từ đó dễ rụng khi có sự tác động.

11. Chấn thương thể chất

Khi cơ thể gặp vấn đề nghiêm trọng như tai nạn, phẫu thuật, giảm cân hoặc bệnh nặng cũng làm thay đổi chu kỳ mọc và nghỉ ngơi của tóc gián đoạn dẫn đến rụng, thậm chí hói đầu. Hầu hết mọi người khi gặp các tình trạng trên tóc sẽ mọc lại sau 2 – 6 tháng.

12. Bệnh tự miễn dịch

Rụng tóc từng vùng là bệnh tự miễn dịch, làm tổn hại chân tóc dẫn đến rụng tóc. Ở trường hợp này tóc có thể tự mọc lại hoặc không.

13. Nấm da đầu

Đây là bệnh hắc lào ở da đầu, xảy ra khi nấm lây nhiễm vào da đầu và thân tóc và gây ra mảng vảy cục bộ. Bệnh nấm da đầu có thể gây sẹo và khiến tóc không mọc lại nếu không điều trị kịp thời.

14. Chế độ ăn uống kém khoa học

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến thiếu chất cần thiết nuôi dưỡng tóc làm suy giảm sức khỏe tóc và gãy rụng nhiều. Các vitamin, khoáng chất giúp tóc chắc khỏe như vitamin D, E, A, sắt, kẽm, selen,…

15. Sử dụng nhiều chất kích thích

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các nước uống chứa chất kích thích như trà, cà phê… khiến nồng độ nội tiết tố thay đổi làm chu trình phát triển của tóc từ đó rụng nhiều là điều khó tránh khỏi.

Sự khác nhau giữa hói đầu ở nam và ở nữ

Dù tình trạng hói đầu xảy ra ở cả nam và nữ nhưng vẫn có sự khác nhau như sau:

1. Hói đầu ở nam

Chứng hói đầu ở nam thường do di truyền và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phần tóc mất đi thường ở phía trước trán, hai bên hoặc đỉnh đầu. Hói đầu ở nam giới có 3 tình huống xảy ra như chỉ mất đi một đường chân tóc, để lộ khoảng lớn vùng da đầu hoặc rụng hết tóc.

2. Hói đầu ở nữ

Tình trạng hói đầu ở nữ ít phổ biến hơn nam giới và hiếm khi dẫn đến rụng tóc toàn bộ. Hói đầu ở nữ giới tóc thường thưa dần trên đỉnh đầu và đường chân tóc vẫn được giữ lại.

Dấu hiệu bị hói đầu dễ nhận biết

Hói đầu xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân mà xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Song vẫn có các dấu hiệu và triệu chứng dễ nhận biết như sau:

1. Tóc mỏng dần trên đỉnh đầu

Đây là tình trạng phổ biến ở những người lớn tuổi. Với nam giới, tóc bắt đầu rụng ở chân tóc trên trán và phụ nữ phổ biến với tình trạng tóc rụng phía trước trán và sâu vào bên trong (rụng tóc xơ hóa phía trước).

2. Tóc rụng từng búi

Tâm trạng căng thẳng hay cơ thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khiến tóc thiếu sức sống. Một nắm tóc có thể rơi ra khi chải hoặc gội đầu, thậm chí sau khi giật nhẹ. Tình trạng này thường làm tóc mỏng đi nhưng chỉ là tạm thời, khi sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định tóc sẽ mọc lại.

3. Các đốm hói hình tròn hoặc loang lổ

Tình trạng hói đầu dễ nhận biết qua dấu hiệu tóc rụng tại một vị trí nhất định và hình thành các đốm hình tròn hoặc loang lổ trên da đầu.

4. Rụng tóc toàn thân

Khi sử dụng một số loại thuốc, nhất là thuốc điều trị ung thư có thể dẫn đến rụng  lông, tóc toàn bộ cơ thể nhưng sau đó tóc mọc trở lại.

5. Các mảng vảy lan rộng trên da đầu

Bệnh hắc lào ở da đầu tạo thành các mảng vảy và đi kèm với các triệu chứng như làm tóc gãy rụng, mẩn đỏ, sưng tấy và có dịch mủ…

Đối tượng nào dễ bị hói tóc?

Các đối tượng dễ bị hói tóc, gồm có:

1. Nam giới trên 30 tuổi

Chứng hói đầu ở nam giới có thể bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên nhưng thường xuất hiện ở người trưởng thành và nhận rõ hơn theo độ tuổi. Đàn ông bị hói vì tính chất công việc căng thẳng kéo dài, môi trường làm việc khắc nghiệt, hút thuốc lá…

Ngoài ra, nam giới từ 30 tuổi trở đi dù không uống rượu bia hay dùng các chất kích thích vẫn có nguy cơ hói đầu. Do bước sang giai đoạn này, nội tiết tố nam đã bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến tế bào mầm tóc.

2. Nam giới có người thân bị hói đầu

Gen di truyền là một trong những yếu tố chính khiến cánh mày râu hói đầu sớm. Các nghiên cứu khoa học ghi nhận, nếu nam giới có cha hói đầu, nguy cơ con trai bị hói là 50%. Nếu có cả cha lẫn ông bị hói, tỷ lệ này tăng lên đến 100%. Vì vậy, nếu bạn sinh ra trong gia đình có “gen hói”, nam giới nên trang bị các giải pháp khoa học để làm chậm thời điểm hói đầu.

3. Phụ nữ sau sinh

Vào thời kỳ mang thai nội tiết tố thay đổi giúp tóc đẹp hơn, nhưng sau khi sinh nội tiết trở về bình thường cơ thể không thích nghi kịp khiến tóc rụng nhiều. Thêm nữa, ở giai đoạn sau khi sinh, phụ nữ có tâm lý nhạy cảm, lo lắng và căng thẳng chuyện chăm sóc con cái nên tình trạng rụng tóc càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng rụng tóc có thể kéo dài 6 tháng hoặc nghiêm trọng hơn sẽ gây hói đầu.

4. Phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh

Ở thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, bởi chị em không chỉ gặp khó khăn trong chuyện sinh lý hay tính tình dễ cáu hơn mà tóc không còn bồng bềnh và dễ rụng hơn.

Biện pháp phòng ngừa hói đầu bạn cần biết

Mỗi người có thể giảm nguy cơ hói tóc qua các biện pháp sau đây:

1. Thả lỏng tóc

Các kiểu tóc buộc chặt như tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím có để làm hỏng nang tóc vì vậy hãy buộc lỏng để tránh nguy cơ hói đầu.

2. Không dùng nhiệt quá nhiều

Hạn chế thay đổi nhiều kiểu tóc, vì nhiệt từ máy duỗi tóc hay máy uốn tóc dễ làm hư chân tóc.

3. Xoa bóp da đầu

Mát xa da đầu thường xuyên giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc. Tuy nhiên không nên lạm dụng mát xa da đầu vì việc cọ xát da đầu liên tục dễ làm tổn thương  nang tóc.

4. Xây dựng chế độ ăn uống

Bổ sung các vitamin A, D, E và khoáng chất như sắt, kẽm,… trong bữa ăn giúp tóc chắc khỏe hơn. Và hạn chế các chất dễ gây hư tổn cho tóc như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…

5. Bảo vệ tóc

Ánh nắng mặt trời làm tóc khô, xơ và dễ gãy rụng. Vì vậy,  khi có kế hoạch ra ngoài hoặc làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng, hãy đội mũ và thoa sản phẩm dưỡng tóc giúp bảo vệ tóc.

Nếu đang trong quá trình điều trị bệnh bằng phương pháp hóa trị nên đội mũ khi ra ngoài để giảm rụng tóc sau khi điều trị.

6. Đổi thuốc điều trị

Nếu đang sử dụng thuốc để điều trị bệnh và có nguy cơ hói tóc, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để thay thế thuốc thích hợp hơn.

7. Chăm sóc tóc theo quy trình

Tuân thủ các bước chăm sóc bao gồm tẩy tế bào chết, gội đầu, xả tóc, ủ mặt nạ và thoa kem dưỡng giúp tóc phục hồi, tăng bộ bóng và mềm mượt.

#DSHOAITHUONG

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám