LÃNG TAI Ở NGƯỜI GIÀ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH CHỮA TRỊ

Lãng tai ở người già là một quá trình lão hóa tự nhiên không thể đảo ngược nhưng có thể làm chậm hoặc giảm nhẹ các triệu chứng nếu có phương pháp can thiệp từ sớm.

Lãng tai ở người già là gì?

Lãng tai ở người già hay còn gọi suy giảm thính lực do tuổi tác (presbycusis) là tình trạng mất thính lực dần dần do quá trình lão hóa tự nhiên, xảy ra ở hầu hết mọi người khi độ tuổi càng cao. Đây là một trong những tình trạng phổ biến nhất ảnh hưởng đến người cao tuổi và thường xảy ra ở cả hai tai như nhau.

Do thính giác thay đổi dần dần qua thời gian nên ban đầu một số người không nhận thức được sự thay đổi đó. Thông thường, bệnh lãng tai ở người già ảnh hưởng đến khả năng nghe những tiếng ồn có cường độ cao như tiếng chuông điện thoại hoặc tiếng bíp của lò vi sóng hơn là những tiếng ồn ở âm vực thấp.

Nguyên nhân gây lãng tai ở người già?

Khi con người già đi, các mạch máu, tế bào thần kinh hạch xoắn ốc hướng tâm và tế bào lông cũng dần lão hóa, dẫn đến chúng không còn phản ứng nhanh nhạy với các tín hiệu âm thanh và suy giảm thính lực sẽ diễn ra.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố góp phần gây bệnh lãng tai ở người già bao gồm:

  • Tiếng ồn: Quá trình tiếp xúc lâu dài với âm thanh quá lớn hoặc kéo dài quá lâu có thể làm hỏng các tế bào lông cảm giác trong tai khiến chúng không thể phát triển trở lại và khả năng nghe bị suy giảm.
  • Mắc bệnh lý: Các tình trạng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, chẳng hạn như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, gây biến chứng tổn thương mạch máu nhỏ cũng có thể góp phần làm giảm thính lực.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc hóa trị dùng để điều trị ung thư có thể gây mất thính lực. Hoặc người bệnh tiếp xúc với các các hóa chất như toluene (dung môi hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, mực in, chất hóa học, cao su, mực in, chất kết dính,…), styrene (được sử dụng trong sản xuất xốp, nhựa…), chì, carbon monoxide (CO), thủy ngân lâu ngày cũng gây mất thính lực.
  • Các yếu tố khác: Di truyền, hormone, tiền sử viêm tai và sự hiện diện của một số bệnh toàn thân cũng góp phần đẩy nhanh quá trình lãng tai ở người già.

Nhận biết dấu hiệu lãng tai ở người lớn tuổi

Một số dấu hiệu lãng tai phổ biến ở người lớn tuổi bao gồm:

  • Cảm thấy khó khăn khi giao tiếp vì nghe câu được câu không.
  • Hay phải hỏi lại người khác nói gì vì không nghe rõ.
  • Xem ti vi hoặc nghe đài ở mức âm lượng cao, nếu hạ âm lượng xuống mức bình thường sẽ cảm thấy khó chịu vì không nghe rõ.
  • Hay phải dùng các từ như: hử? hả? cái gì? gì cơ? trong khi nói chuyện.
  • Khó cảm nhận được các loại âm thanh nhỏ như tiếng lá khô xào xạc, tiếng nước chảy.
  • Không có khả năng nghe nếu người khác nói thì thầm.

Các biến chứng của bệnh lãng tai ở người già

Suy giảm thính lực dẫn đến rất nhiều hệ luỵ cho người lớn tuổi, chẳng hạn như.

  • Rối loạn chức năng nhận thức: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lãng tai ở người già có nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
  • Cô lập xã hội: Thính giác có ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, bao gồm giao tiếp, sự an toàn, tương tác xã hội. Mất thính lực có thể dẫn đến gia tăng sự cô lập với xã hội và giảm khả năng tự chủ ở người lớn tuổi. Người bệnh có thể có những tác động tiêu cực đến tâm trạng, chẳng hạn như tăng tần suất lo âu, trầm cảm và thờ ơ.
  • Mất an toàn: Khả năng nghe tần số cao bị suy giảm có thể gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn, vì người lớn tuổi có thể khó phản ứng với các cảnh báo và tín hiệu, chẳng hạn như chuông cửa, chuông điện thoại, cảnh báo cháy nổ…

Phòng ngừa bệnh lãng tai ở người già

Các khuyến nghị để làm chậm lại quá trình lãng tai ở người già bao gồm:

  • Tầm soát: Người từ 60 tuổi nên thực hiện sàng lọc suy giảm thính lực ít nhất mỗi năm 1 lần hoặc khi cảm giác nghe kém tại các phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng có phòng đo thính lực.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Do bệnh lãng tai ở người lớn tuổi có liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch, nên chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày, tránh hút thuốc,… có thể giúp trì hoãn sự khởi phát và làm chậm quá trình suy giảm thính lực.
  • Vệ sinh tai và bảo vệ tai khỏi tiếng ồn: Giữ gìn tai sạch sẽ và tránh tiếng ồn lớn có thể giúp ngăn ngừa các nguyên nhân khác gây mất thính lực.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám