Bệnh nhân bị ứ dịch tử cung, dùng thuốc bác sĩ kê không khỏi, quyết định cắt tử cung điều trị triệt để, sau đó mới biết mang bệnh K.

Một năm trước, bệnh nhân bỗng dưng ra máu âm đạo dù mãn kinh từ lâu. Ban đầu dịch có máu đỏ tươi, sau chuyển màu đỏ nâu, vàng. Khám phụ khoa tại một cơ sở y tế, kết quả siêu âm phát hiện ứ dịch trong lòng tử cung, bệnh nhân được kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Uống thuốc 2 tuần, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khác. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm Pap Smear nhằm sàng lọc ung thư cổ tử cung cho người bệnh, nhưng kết quả âm tính. Bệnh nhân lại được kê thuốc uống, nhưng càng uống càng thấy mệt, người xanh xao.
Ngày 27/7, bệnh nhân đến Trung tâm Sản Phụ khoa, được soi cổ tử cung, lấy mẫu niêm mạc sinh thiết cho kết quả âm tính. Bệnh nhân được chụp MRI vùng chậu để khảo sát kỹ hơn cũng không ghi nhận bất thường.
Người bệnh mãn kinh có xuất huyết âm đạo bất thường kéo dài, đã điều trị thuốc liên tục không hiệu quả nên được BS chỉ định cắt tử cung toàn phần kèm 2 buồng trứng, gửi mô tế bào tử cung đi giải phẫu bệnh. Kết quả bất ngờ: bệnh nhân mắc ung thư nội mạc tử cung, giai đoạn 2. Người bệnh được chuyển đến Trung tâm Ung bướu để tiếp tục theo dõi, lên phương án điều trị ung thư. Bệnh nhân phải theo dõi sức khỏe định kỳ, tầm soát để ngăn chặn ung thư tái phát do di căn đến cơ quan khác.

Bác sĩ thông tin thêm, ung thư nội mạc tử cung khó phát hiện qua các phương pháp tầm soát. Xét nghiệm Pap Smear thể hiện tình trạng ở cổ tử cung và kết quả sinh thiết nội mạc tử cung của bệnh nhân có thể cho kết quả âm tính giả hoặc không lấy được đúng vị trí mô bệnh lý.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương trong 3 năm 2008-2010 trên 142 người mắc ung. Tỷ lệ tuổi mắc bệnh trung bình khoảng 55 tuổi, gần 70% trường hợp mãn kinh, 97,9% có biểu hiện ra máu âm đạo bất thường. Tỷ lệ người bệnh có xét nghiệm tế bào âm đạo cổ tử cung có 15,9% âm tính giả, sinh thiết niêm mạc có 3,4% âm tính giả.
Theo bác sĩ, ung thư nội mạc tử cung ác tính nhất trong nhóm ung thư đường sinh dục, tỉ lệ mắc 2-3/100 phụ nữ. Phụ nữ béo phì, có kinh nguyệt sớm, tiền sử vô sinh hoặc không có con cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc. Ngoài ra, nhóm sử dụng thuốc ảnh hưởng đến hormone, phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc nhóm ung thư đại trực tràng, buồng trứng, vú có nguy cơ cao.
Ở Việt Nam, hiện số mới mắc và tử vong là 3.054 và 1.400 tương ứng tỷ lệ mới mắc là 7,2/100.000 dân và tử vong là 3,3/100.000 dân, so với năm 2002 là 2,5 và 0,9.
Hiện nay, ung thư nội mạc tử cung trên thế giới và nước ta ngày càng tăng do tuổi thọ con người tăng, xu hướng sử dụng hóc môn, nhất là hóc môn thay thế sau mãn kinh. Ngoài ra phụ nữ mắc bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường… tăng là yếu tố thúc đẩy gia tăng u ác.

Nguyên nhân chính xác gây ung thư chưa được xác định rõ. Có giả thuyết cho rằng, những thay đổi về nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể phụ nữ là cơ chế sinh bệnh. Nồng độ estrogen tăng làm cho các tế bào nội mạc tử cung phân chia và nhân lên, biến đổi thành ác tính.
“Nếu phát hiện khi tế bào ung thư ở lớp nội mạc tử cung chưa lây lan, thì 95% người bệnh có cơ hội sống sót sau 5 năm. Nếu u di căn đến các cơ quan khác, cơ hội sống giảm còn 25%. Việc tầm soát phát hiện bệnh kịp thời là một yếu tố hết sức quan trọng, quyết định tỷ lệ sống còn của bệnh nhân”, bác sĩ nói.
Đến nay, chưa có các phương tiện hữu hiệu giúp phụ nữ chủ động tầm soát ung thư nội mạc tử cung. Cách tốt nhất là tuân thủ khám phụ khoa định kỳ và khám ngay khi có triệu chứng bất thường như: xuất huyết âm đạo, khí hư bất thường, đau vùng chậu, rối loạn đi tiêu và tiểu.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345