MỘNG DU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Người mắc bệnh mộng du thường không nhớ những gì họ đã làm trong lúc ngủ. Đây tình trạng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và người thân xung quanh nếu không được kiểm soát kịp thời.

Mộng du là bệnh gì?

Bệnh mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ, tâm thần kinh trong đó người bệnh thực hiện các hành động vật lý hoặc cử chỉ, thậm chí nói hoặc hét lên khi đang xảy ra mộng du. Mộng du thường diễn ra sau khi người bệnh chìm vào giấc ngủ từ 1 – 2 giờ.

Người mắc bệnh mộng du thường không nhớ những gì họ đã làm trong lúc ngủ hay những gì họ đã mộng du. Thông thường, hiện tượng mộng du kéo dài vài phút nhưng cũng có thể diễn ra trong nhiều giờ khiến người bệnh thực hiện những hành vi nguy hiểm với bản thân và cả những người xung quanh. Nếu không được điều trị, bệnh mộng du có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây nguy hiểm, chấn thương do những hành động vô ý thức trong giấc ngủ.

Nguyên nhân mộng du

Lý do vì sao bị mộng du chưa được nghiên cứu đầy đủ. Thế nhưng các nhà khoa học tin rằng có một số yếu tố góp phần làm phát triển căn bệnh này, bao gồm:

  • Vấn đề về hệ thống thần kinh trung ương: Hiện tượng mộng du xuất hiện được cho là do sự rối loạn trong quá trình ngủ mơ, khi mà cơ thể không thể “tắt” các phản ứng vật lý để ngăn cản việc di chuyển. Những người mắc bệnh mộng du có vẻ không nhận được tín hiệu “tắt” này từ não bộ, cho phép họ vận động khi vẫn đang mơ.
  • Bệnh Parkinson và các rối loạn vận động khác: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mộng du có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson và các rối loạn vận động khác liên quan đến việc hủy hoại neuron sản sinh dopamine trong não. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp mắc bệnh mộng du đều sẽ phát triển bệnh Parkinson.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị trầm cảm, thuốc ngủ, tăng huyết áp… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mộng du.
  • Căng thẳng quá mức: Áp lực, căng thẳng, stress kéo dài… là những nguyên nhân có thể dẫn đến mộng du, não bộ không thật sự nghỉ ngơi kể cả khi người bệnh đang ngủ.
  • Yếu tố di truyền: Một số bằng chứng cho thấy bệnh mộng du có thể di truyền. Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh mộng du có nguy cơ cao hơn mắc căn bệnh này.
  • Các yếu tố khác: Một số yếu tố khác như bàng quang đầy nước tiểu khi đi ngủ, thay đổi môi trường ngủ, môi trường ngủ có nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn… cũng làm tăng nguy cơ bị mộng du.

Đối tượng nào dễ bị mộng du?

Mộng du thường xuất hiện ở trẻ em nhưng cũng có thể kéo dài đến tuổi thiếu niên và cả khi đã trưởng thành. Một số đối tượng có nguy cơ bị mộng du bao gồm:

  • Trẻ em: Trẻ em trong quá trình phát triển, thường xuyên thay đổi lịch ngủ hoặc đang trải qua các giai đoạn căng thẳng do học tập hay chuyển nhà, chưa thích nghi được với phòng ngủ mới… có thể bị mộng du.
  • Người có người thân trong gia đình bị mộng du: Một số nghiên cứu cho thấy có yếu tố di truyền đối với người bệnh mộng du.
  • Người có lịch trình ngủ không ổn định hoặc ngủ không đủ giấc: Bạn có thể bị mộng du nếu không có lịch trình ngủ ổn định, thiếu ngủ hoặc thường xuyên gặp tình trạng gián đoạn giấc ngủ.
  • Những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần: Những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm hoặc stress nghiêm trọng có thể bị mộng du.
  • Những người thường dùng chất kích thích hoặc thuốc: Người dùng chất kích thích như caffeine, thuốc lá hay rượu bia có thể bị mộng du. Một số loại thuốc cũng có thể gây mộng du như thuốc ngủ, thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm.

Triệu chứng mộng du

Một số dấu hiệu của bệnh mộng du bao gồm:

  • Thực hiện các hành động phức tạp trong khi ngủ: Người bệnh có thể đi dạo, ăn uống, thậm chí lái xe hoặc thực hiện các hành động khác trong khi vẫn đang ngủ.
  • Cuộc nói chuyện trong lúc ngủ: Người mộng du có thể nói chuyện với người khác trong khi vẫn đang ngủ. Các cuộc hội thoại có thể không mạch lạc và khó hiểu.
  • Hoạt động với mắt mở: Người mộng du thường mở mắt và có thể trông như họ đang thức nhưng thực tế là vẫn còn ngủ.
  • Không nhớ gì sau khi thức dậy: Những người mắc bệnh mộng du cho biết, họ thường không có bất kỳ ký ức nào về những gì bản thân đã làm trong lúc ngủ.

Cần làm gì khi thấy người bị mộng du?

Khi chứng kiến một người bị mộng du thì cần làm gì? Nếu bạn bắt gặp người thân hay ai đó bị mộng du trong khi ngủ thì cần lưu ý:

  • Giữ sự bình tĩnh: Khi thấy một người bị mộng du, bạn sẽ cảm thấy khá bất ngờ và lo lắng. Tuy nhiên, bạn cần giữ bình tĩnh và không để cảm xúc cá nhân khiến người bị mộng du khó chịu hoặc hoảng loạn.
  • Đừng cố gắng đánh thức họ: Việc đánh thức một người đang mộng du có thể khiến họ bối rối, hoảng loạn, mất phương hướng. Vì người bị mộng du sẽ không nhớ những gì vừa xảy ra nên họ có thể sẽ không hài lòng và trở nên kích động.
  • Hãy đảm bảo an toàn cho người bị mộng du: Người mộng du có thể di chuyển, nắm bắt những vật xung quanh hoặc tương tác với môi trường một cách nguy hiểm. Thậm chí một số trường hợp người mộng du còn tự mở cửa sổ, trèo ra ban công hoặc dùng dao cắt thức ăn mà không ý thức được việc mình đang làm. Vì thế, khi thấy người bị mộng du, bạn cần dắt họ về giường ngủ một cách nhẹ nhàng và đảm bảo rằng không có đồ vật sắc nhọn hoặc vật dụng nguy hiểm trong tầm tay của người bệnh.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế nếu cần: Nếu tình trạng mộng du diễn ra thường xuyên, kéo dài, gây nguy hiểm hoặc người bị mộng du tỏ ra rất mệt mỏi trong ngày, bạn nên khuyên người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Mộng du có nguy hiểm không?

Bản thân bệnh mộng du thường không gây nguy hiểm đáng kể cho người mắc phải. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mộng du có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, đe dọa đến sự an toàn của người bệnh, chẳng hạn như:

  • Chấn thương do vấp ngã hoặc va chạm: Người mộng du có thể đi lại trong khi đang ngủ, ngã xuống cầu thang hoặc ra khỏi nhà và va chạm với các phương tiện đang lưu thông trên đường. Điều này có thể gây ra chấn thương cho người bệnh.
  • Mất ngủ: Mộng du thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ sâu khi cơ thể cần nghỉ ngơi và phục hồi. Mộng du làm gián đoạn giấc ngủ có thể gây mệt mỏi, mất tập trung vào ngày hôm sau, khiến người bệnh buồn ngủ, uể oải, kiệt sức.
  • Stress và lo lắng: Những người mắc chứng mộng du cảm thấy lo lắng về việc đi lại trong lúc ngủ và các hậu quả có thể xảy ra. Hơn nữa, người bệnh có thể cảm thấy bối rối và xấu hổ về vấn đề sức khỏe của mình. Tình trạng lo lắng quá mức có thể dẫn đến stress và gây ra những trở ngại về mặt tâm lý đối với người bệnh.

Tình trạng mộng du khi nào cần gặp bác sĩ?

Mộng du có thể không cần can thiệp y tế, đặc biệt là ở trẻ em. Vì đa số trẻ khi lớn lên sẽ không còn các triệu chứng mộng du nữa. Tuy nhiên,người bệnh vẫn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách kiểm soát, chăm sóc. Một số trường hợp đặc biệt cần gặp bác sĩ, chẳng hạn như:

  • Mộng du có nguy cơ gây chấn thương hoặc nguy hiểm cho người bệnh: Nếu người mắc chứng mộng du tự gây ra chấn thương hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương (ví dụ như ngã cầu thang) thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn về các biện pháp giữ an toàn và phác đồ điều trị.
  • Mộng du gây mất ngủ hoặc mệt mỏi vào ban ngày: Nếu tình trạng mộng du làm gián đoạn giấc ngủ, gây mệt mỏi, uể oải, mất năng lượng cho các hoạt động hằng ngày hoặc khó tập trung, bị rối loạn hành vi vào ban ngày, người bệnh cũng nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
  • Mộng du kéo dài quá tuổi vị thành niên: Thông thường, trẻ em không còn bị mộng du khi lớn lên. Tuy nhiên, nếu tình trạng mộng du tiếp tục xảy ra khi người bệnh bước vào tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được kiểm tra.
  • Mộng du làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh: Nếu mộng du làm ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng quá mức thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. 

Cách chẩn đoán bệnh mộng du

Để chẩn đoán mộng du, bác sĩ thường dựa trên thông tin từ người bệnh hoặc người chăm sóc về các biểu hiện khi ngủ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý của bản thân, bao gồm tất cả những vấn đề về giấc ngủ hoặc các vấn đề sức khỏe khác để có thể chẩn đoán chính xác.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh ghi chép chi tiết về thói quen ngủ của mình trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ như thời gian đi ngủ, thức dậy, số lần tỉnh giấc trong đêm và bất kỳ biểu hiện lạ nào khi ngủ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nằm ngủ ở phòng kiểm tra có máy cảm biến để ghi lại thông tin về hành vi ngủ, bao gồm nhịp tim, hoạt động não, chuyển động mắt, chuyển động cơ và hô hấp…

Cần lưu ý rằng không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán mộng du. Thay vào đó, những chẩn đoán về tình trạng bệnh thường dựa trên mô tả của người bệnh về biểu hiện khi ngủ cùng với việc loại trừ nguyên nhân khác có thể gây ra các biểu hiện này.

Cách chăm sóc, kiểm soát, điều trị mộng du

Bác sĩ sẽ cân nhắc việc điều trị mộng du có cần thiết hay không. Trong đó, các trường hợp có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hoặc những người xung quanh thì cần lưu ý. Một số phương pháp được áp dụng để kiểm soát, điều trị mộng du bao gồm:

1. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Để hỗ trợ kiểm soát, điều trị mộng du, người bệnh cần xây dựng thói quen ngủ khoa học, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thức khuya dậy sớm. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý tránh dùng caffeine và rượu, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đường trước giờ đi ngủ. Để có giấc ngủ chất lượng hơn, bạn hãy giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ.

2. Thói quen sinh hoạt khoa học

Hoạt động thể chất đều đặn, thực hiện các phương pháp thư giãn như thiền hay tập yoga, học cách quản lý stress và duy trì chế độ ăn uống khoa học… là những cách người bệnh mộng du nên quan tâm. Việc quản lý stress, loại bỏ căng thẳng có thể giúp một người có chất lượng giấc ngủ tốt hơn và hạn chế gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, trong đó có bệnh mộng du.

3. Giữ môi trường ngủ an toàn

Người bị mộng du cần giữ môi trường ngủ an toàn bằng cách không để các vật sắc nhọn trong phòng ngủ, hạn chế xây phòng có cửa sổ, lắp đặt chốt cửa an toàn…

Môi trường ngủ yên tĩnh giúp hạn chế nguy cơ bị mộng du

4. Điều trị các vấn đề sức khỏe

Nếu bạn đang gặp các vấn đề sức khỏe như chứng ngủ ngáy hoặc mất ngủ… thì nên điều trị tình trạng bệnh càng sớm càng tốt. Sức khỏe ổn định có thể giúp cải thiện tần suất bị mộng du khi ngủ.

5. Liệu pháp hành vi

Một số phương pháp như liệu pháp hành vi giảm căng thẳng có thể giúp cải thiện chứng mộng du. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, điều này thường chỉ được xem xét nếu các biện pháp khác không hiệu quả hoặc nếu mộng du gây nguy hiểm đến người bệnh và những người thân xung quanh.

Cách phòng ngừa mộng du

Hiện nay, chưa có cách cụ thể để phòng ngừa mộng du. Tuy nhiên bạn vẫn có thể áp dụng một số cách để hạn chế nguy cơ gặp phải tình trạng này và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn mộng du.

  • Luyện tập thể dục thể thao để giảm căng thẳng: Căng thẳng và mệt mỏi là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị mộng du. Do đó, bạn có thể thử thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng như tập yoga, thiền hoặc tập thể dục thể thao… để thư giãn.
  • Duy trì môi trường ngủ yên tĩnh và thoải mái: Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoải mái có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó hạn chế gặp chứng mộng du. Đặc biệt, bạn cần lưu ý loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ bị gián đoạn giấc ngủ như ánh sáng, tiếng ồn…
  • Duy trì một lịch trình ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy điều độ, cùng một thời gian mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ bị mộng du.
  • Tránh đồ uống chứa cồn và chất kích thích: Caffeine, cồn và các chất kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ và tăng nguy cơ mắc mộng du. Do đó, để phòng ngừa bị mộng du, bạn cần hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích.
  • Điều trị các vấn đề sức khỏe khác: Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ thì cần đi thăm khám để được tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp.

Mặc dù những cách trên không thể giúp phòng ngừa tình trạng bệnh tuyệt đối nhưng có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ và hạn chế mức độ nghiêm trọng của các cơn mộng du.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám