Mụn nội tiết tố thường bắt đầu xuất hiện vào tuổi dậy thì và có thể ảnh hưởng đến lứa tuổi về sau, phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Ước tính có khoảng 50% số người mắc mụn nội tiết ở độ tuổi từ 20 – 29 và 4% trường hợp tiếp tục ở độ tuổi 40. Trong đó phụ nữ trưởng thành chiếm 15 – 50%. Vậy mụn nội tiết ở nữ giới là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào?
Mụn nội tiết ở nữ giới là gì?
Mụn nội tiết tố ở nữ giới, còn được gọi là mụn trứng cá khởi phát muộn, thường xuất hiện sau 25 tuổi, kéo dài dai dẳng, hình thành do tuyến dầu tiết ra quá nhiều bã nhờn . Mụn trứng cá xuất hiện trên mặt, vai, ngực và lưng ở các dạng sau:
- Mụn nhọt.
- Mụn đầu đen.
- Mụn đầu trắng.
- Mụn bọc.

Nguyên nhân gây mụn nội tiết ở nữ giới
Mụn nội tiết tố ở nữ do một số nguyên nhân sau:
- Tuổi dậy thì.
- Gần đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Hội chứng đa buồng trứng đa nang (PCOS).
- Giai đoạn mãn kinh.
- Phụ nữ mang thai.
- Do một số thuốc: nội tiết tố, thuốc ngừa thai, Steroid…
- Gia đình có tiền sử bị mụn nội tiết.
- Tâm lý căng thẳng, stress.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp.
Cơ chế hình thành mụn nội tiết do nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, làm da tiết ra nhiều dầu hơn dẫn đến lỗ chân lông bị tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm và sinh ra mụn.
Triệu chứng nội tiết tố nữ gây mụn
Mụn nội tiết ở nữ gây ra các tổn thương và có thể chuyển sang viêm, đỏ, đau hoặc lở loét và xuất hiện dưới các dạng như:
- Mụn đầu trắng.
- Mụn đầu đen.
- Mụn sẩn (mô da nổi lên, đường kính 2-5 mm).
- Mụn mủ (vết da có mủ, đường kính 2-5 mm).
- Mụn bọc (túi dưới da chứa chất lỏng).
Dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết ở nữ
Mụn nội tiết nhận biết qua một số dấu hiệu nhận biết chính sau:
- Nổi mụn do tâm lý căng thẳng: Khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng sẽ tiết ra hormone cortisol – một loại hormone kích thích vi khuẩn gây mụn phát triển.
- Mụn mọc nhiều ở một số thời điểm: Khi nữ giới đến độ tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ trước và sau khi mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh… nổi nhiều mụn thì đó dấu hiệu bị mụn nội tiết.
- Mụn mọc ở quai hàm, cằm: Khi mụn nổi nhiều ở các vị trí này là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp phải vấn đề về nội tiết tố. Ngoài ra, mụn nội tiết cũng có thể mọc tại vị trí khác như lưng, ngực, vai…
- Bị nhiều mụn mủ, mụn bọc: Cơ thể mất cân bằng về nội tiết, mụn mủ và mụn bọc sẽ thường xuyên xuất hiện, gây sưng, khó chịu và đau nhức.
Chăm sóc bảo vệ da khỏi mụn nội tiết
Ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc, tại nhà cũng cần chăm sóc da để bảo vệ khỏi mụn tiết. Điều trị và chăm sóc da đúng cách sẽ hạn chế mụn xuất hiện, ngăn ngừa sẹo thâm, giúp da sáng mịn hơn.
1. Chăm sóc da từ bên ngoài
- Rửa mặt 2 lần/ngày và sau khi đổ mồ hôi.
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm, không dùng nước nóng.
- Không chà xát, nặn mụn vì gây viêm hoặc làm tình trạng nặng hơn.
- Tránh môi trường có độ ẩm cao làm đổ nhiều mồ hôi.
- Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng sinh hoạt.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Nếu trang điểm, cần tẩy trang thật sạch để tránh cặn còn sót gây bít tắc lỗ chân lông.
- Sử dụng các sản phẩm điều trị mụn có chứa AHA, BHA, Benzyl peroxide…
- Sử dụng kem dưỡng ẩm, chống nắng có thành phần phù hợp.
- Không chạm tay lên mặt để tránh vi khuẩn xâm nhập vào da.
2. Chăm sóc da từ bên trong
- Ngủ đủ 8 tiếng/ngày, hạn chế thức khuya.
- Tránh căng thẳng, stress, áp lực.
- Bổ sung thực phẩm có chứa kẽm, vitamin C, B, E giúp da sáng khỏe và ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Hạn chế thực phẩm ngọt, cay nóng, chiên rán, dầu mỡ, đồ uống có cồn…
- Sử dụng các loại trà, thực phẩm thanh nhiệt, giải độc: trà xanh, trà atiso,…

Cách phòng tránh mụn nội tiết ở nữ
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giảm các triệu chứng mụn nội tiết ở nữ giới . Phòng tránh mụn nội tiết thông qua chế độ ăn uống hằng ngày theo các cách sau:
1. Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức tối ưu
Để kiểm soát lượng đường trong máu nên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng đường thấp, từ đó kiểm soát được mụn nội tiết ở nữ. Thường xuyên ăn thực phẩm có hàm lượng đường cao, chẳng hạn như soda, bánh mì trắng, kẹo, ngũ cốc có đường, kem, sẽ làm tăng lượng đường trong máu và mụn nội tiết thêm trầm trọng.
Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường làm tăng phóng thích insulin, kích thích giải phóng các hormone khác, dẫn đến tăng sừng hóa và tiết nhiều bã nhờn khiến mụn nội tiết trở nên trầm trọng.
Do đó, để giảm mụn nội tiết phụ nữ tuân theo chế độ ăn giàu protein, chỉ số đường thấp. Và cần cắt bỏ thực phẩm và đồ uống có đường, cũng như carbs tinh chế, chẳng hạn như mì ống trắng, bánh ngọt và bánh mì trắng sẽ có thể cải thiện các triệu chứng mụn nội tiết nữ.
2. Cắt bỏ sữa và whey protein
Sữa và các sản phẩm từ sữa thúc đẩy tiết insulin và sản xuất hormone, gây ra mụn nội tiết ở nữ.
Kết quả của 14 nghiên cứu tham gia bởi 78.529 trẻ em và người lớn từ độ tuổi 7 – 30 cho thấy rằng những người có tiêu thụ sản phẩm sữa, pho mát, sữa chua, không kể đến tần suất hay số lượng – đều có nguy cơ nổi mụn cao hơn người khác. 9 nghiên cứu khác thực hiện trên 71.819 người cho thấy, những người uống sữa có nguy cơ bị mụn cao hơn 16% so với những người không uống.
Tương tự, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ whey protein – một loại protein có nguồn gốc từ sữa – có thể gây xuất hiện mụn nội tiết.
3. Tiêu thụ thực phẩm toàn phần, thực phẩm giàu dinh dưỡng
Tuân thủ chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, chống viêm sẽ tốt cho việc điều trị và ngừa mụn nội tiết một cách tự nhiên.
Các thực phẩm giúp giảm viêm có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị mụn nội tiết. Lựa chọn các nguồn chất béo omega-3 chống viêm, chẳng hạn cá béo và hạt chia, thay vì chất béo giàu omega-6 có khả năng gây viêm như dầu hạt cải và dầu đậu nành sẽ làm giảm các triệu chứng của mụn nội tiết.
Ăn đa dạng các loại rau và trái cây nhiều màu sắc giúp chế ngự chứng viêm và giảm các triệu chứng mụn nội tiết. Những thực phẩm này cung cấp chất chống oxy hóa, chống viêm và các chất dinh dưỡng hỗ trợ quan trọng khác cho da, chẳng hạn như vitamin C.
Phụ nữ bị mụn do rối loạn nội tiết tố nữ nên ăn gì?
Phụ nữ bị mụn do rối loạn nội tiết tố nữ nên các thực phẩm sau đây:
- Rau xanh: Bông cải xanh, rau chân vịt, cải xoăn, ớt, bí xanh, súp lơ, cà rốt, củ cải đường,…
- Trái cây: Các loại quả mọng, bưởi, cam, táo, anh đào, chuối, lê, nho, đào,…
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt và rau có tinh bột: Khoai lang, bí đỏ, gạo lứt, yến mạch, kiều mạch,…
- Chất béo lành mạnh: trứng nguyên quả, dầu ô liu, bơ, quả hạch, hạt, bơ hạt, dầu dừa,…
- Các sản phẩm thay thế sữa từ thực vật: sữa hạt điều, sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa chua dừa.
- Protein tốt: Cá hồi, đậu phụ, thịt gà, gà tây, trứng.
- Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu lăng, đậu thận,…
- Các loại thảo mộc và gia vị chống viêm: Nghệ, quế, hạt tiêu đen, rau mùi tây, tỏi, gừng.
- Đồ uống không đường: Nước lọc, trà xanh, trà dâm bụt, nước chanh,…

Điều gì làm mụn nội tiết ở nữ nghiêm trọng hơn
Mụn nội tiết ở nữ sẽ nghiêm trọng hơn nếu gặp các tình huống sau đây:
- Căng thẳng.
- Nặn mụn.
- Môi trường xung quanh ô nhiễm, nhiều khói, bụi.
- Suy giảm miễn dịch.
- Chăm sóc da không đúng cách.
- Chế độ ăn uống kém khoa học (đặc biệt là carbohydrate và đường tinh chế).
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn