PHÂN BIỆT CUỒNG NHĨ VÀ RUNG NHĨ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ

PHÂN BIỆT CUỒNG NHĨ VÀ RUNG NHĨ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ

Cuồng nhĩ và rung nhĩ đều là những dạng rối loạn nhịp tim, xảy ra do các vấn đề về tín hiệu điện ở tâm nhĩ và có triệu chứng tương tự nhau. Tuy vậy, vẫn có những điểm khác nhau cơ bản giữa hai bệnh lý này.

Cuồng nhĩ và rung nhĩ là gì?

Bình thường, nhịp tim được tạo ra bởi các tín hiệu điện xuất phát từ một vùng của tim gọi là nút xoang, sau đó lan tỏa lần lượt đến các vùng khác của tim giúp các buồng của tim hoạt động đồng bộ và hiệu quả. Rung nhĩ là một dạng loạn nhịp tim, xảy ra khi các tín hiệu điện xuất hiện nhanh hơn bình thường. (1)

Trong rung nhĩ, hai ngăn trên của tim (tâm nhĩ) nhận các tín hiệu điện hỗn loạn, vô tổ chức. Các vùng của tâm nhĩ hoạt động với tần số rất nhanh và không đồng bộ dẫn đến hai tâm nhĩ trái và phải gần như không co bóp (tâm nhĩ chỉ “rung” chứ không co bóp nếu nhìn từ ngoài vào – do đó bệnh được gọi là rung nhĩ), và không phối hợp với hai ngăn dưới của tim (tâm thất).

Một phần các tín hiệu điện này cũng được dẫn truyền xuống tâm thất dẫn đến nhịp tim nhanh và không đều. Nhịp tim được xem là bình thường khi dao động từ 60-100 nhịp/phút. Ở bệnh nhân rung nhĩ, nhịp tim có thể dao động từ 100-175 nhịp/phút.

Tương tự, cuồng nhĩ cũng là một dạng rối loạn nhịp tim do rối loạn hoạt động điện ở tâm nhĩ, nhưng đây là những tín hiệu điện có tổ chức. Trong cuồng nhĩ, nhịp tim bất thường bắt đầu ở các buồng trên của tim, làm cho tâm nhĩ đập 250-350 lần/phút. Điều này khiến tâm thất đập nhanh theo, thường là trên 150 nhịp/phút hoặc hơn.

Triệu chứng rung nhĩ và cuồng nhĩ

Những người bị rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Nếu triệu chứng xảy ra, chúng cũng tương tự nhau: (2)

TRIỆU CHỨNGRUNG NHĨCUỒNG NHĨ
Nhịp tim nhanhThường xuyênThường xuyên
Mạch không đềuThường xuyênKhông thường xuyên
Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Đánh trống ngực
Hụt hơi
Suy nhược hoặc mệt mỏi
Đau hoặc tức ngực
Tăng cơ hội hình thành cục máu đông và đột quỵ

Như vậy, về triệu chứng giữa hai bệnh cuồng nhĩ và rung nhĩ hầu như chỉ khác nhau ở biểu hiện nhịp tim và mạch không đều, và chỉ có thể được khẳng định bằng đo điện tâm đồ trong cơn loạn nhịp. Ngoài ra, các triệu chứng của cuồng nhĩ có xu hướng ít nghiêm trọng hơn. Khả năng hình thành cục máu đông và đột quỵ ở bệnh nhân cuồng nhĩ cũng thấp hơn so với rung nhĩ.

Nguyên nhân

Các yếu tố nguy cơ của cuồng nhĩ và rung nhĩ rất giống nhau, bao gồm:

YẾU TỐ NGUY CƠRUNG NHĨCUỒNG NHĨ
Tiền sử nhồi máu cơ tim
Tăng huyết áp
Bệnh tim mạch
Suy tim
Van tim bất thường
Dị tật tim bẩm sinh
Bệnh phổi mạn tính
Từng phẫu thuật tim
Nhiễm trùng nghiêm trọng 

Biến chứng của bệnh

Đối với bệnh cuồng nhĩ

Các triệu chứng cuồng nhĩ nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn tới những biến chứng như:

  • Cục máu đông: Tim đập không hiệu quả khiến máu đọng lại ở tâm nhĩ, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển từ tim vào máu, có thể bị mắc kẹt trong động mạch và dẫn đến đột quỵ.
  • Bệnh cơ tim và suy tim: Tim đập rất nhanh trong thời gian dài làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cơ tim và làm suy giảm chức năng tim.

Đối với bệnh rung nhĩ

Trong khi đó, các biến chứng thường xảy ra ở bệnh nhân rung nhĩ là:

1. Đột quỵ

Bình thường khi tim đập, hai ngăn trên – tâm nhĩ co bóp và đẩy máu xuống hai ngăn dưới – tâm thất. Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ rung lên thay vì co bóp mạnh. Vì vậy, chúng chỉ đẩy được một lượng máu vừa phải vào tâm thất. Tâm nhĩ hoạt động không hiệu quả có thể làm ứ trệ dòng máu lưu thông trong buồng tim, gây ra nguy cơ hình thành cục máu đông – căn nguyên của đột quỵ.

2. Bệnh cơ tim

Rung nhĩ làm cho tâm thất đập nhanh hơn. Nhịp đập quá nhanh, giảm thời gian nghỉ giữa các nhát bóp có thể làm tâm thất không được đổ đầy máu và khiến các nhát bóp của tim trở nên kém hiệu quả. Hơn nữa, nhịp tim nhanh trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng của cơ tim, gây ra các biểu hiện của suy tim. Đây được gọi là bệnh cơ tim do nhịp nhanh.

3. Suy tim

Rung nhĩ khiến tim phải hoạt động nhanh hơn và kém hiệu quả hơn. Sau một thời gian, nỗ lực bơm máu sẽ khiến tim yếu đi, không thể cung cấp đủ lượng máu mà cơ thể cần. Rung nhĩ có thể gây ra suy tim, và làm nặng thêm tình trạng suy tim sẵn có của bệnh nhân.

Để hoạt động bình thường, cơ thể chúng ta cần được cung cấp ổn định lượng máu giàu oxy. Khi chức năng tim suy giảm, không thể bơm đủ máu, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tim trái co bóp kém có thể làm cho máu và dịch ứ lại trong phổi gây ra các triệu chứng khó thở, hụt hơi, giảm khả năng gắng sức.

4. Giảm trí nhớ

Các nghiên cứu cho thấy những người bị rung nhĩ có trí nhớ kém hơn so với những ai không có tình trạng này. Chứng sa sút trí tuệ cũng phổ biến hơn ở các bệnh nhân rung nhĩ.

Một lý do giải thích cho hiện tượng này là rung nhĩ làm tăng tỷ lệ đột quỵ dẫn tới tổn thương não. Ngoài ra, việc não không được cung cấp đủ máu cũng có thể làm ảnh hưởng đến trí nhớ.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán cuồng nhĩ, bác sĩ thường tiến hành các cận lâm sàng sau:

  • Siêu âm tim: sử dụng sóng siêu âm để khảo sát cấu trúc và chức năng của tim. Phương pháp này cũng giúp đo lưu lượng máu qua tim và mạch máu để xem tim có dấu hiệu yếu đi do đập nhanh hay không.
  • Điện tâm đồ (ECG): ghi lại các hoạt động điện của tim tại một thời điểm. Điện tâm đồ ghi nhận được trong cơn loạn nhịp rất cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh và định hướng điều trị.
  • Máy theo dõi Holter ECG: cho phép bác sĩ theo dõi hoạt động điện tim trong ít nhất 24 giờ.
  • Khảo sát điện sinh lý (EP): Một hoặc nhiều ống thông được luồn từ các tĩnh mạch đùi vào tim. Sau đó, bác sĩ đưa các điện cực vào để theo dõi các tín hiệu điện ở nhiều vị trí khác nhau trong buồng tim. Thủ thuật này thường được thực hiện kết hợp với triệt phá ổ loạn nhịp nhằm điều trị triệt để cuồng nhĩ.

Đối với rung nhĩ, ngoài các kiểm tra như siêu âm tim, điện tâm đồ, Holter ECG tương tự như cuồng nhĩ, bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh hoặc tìm các nguyên nhân gây ra rung nhĩ, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp này giúp bác sĩ loại trừ các vấn đề về tuyến giáp hoặc phát hiện những chất khác trong máu có thể dẫn đến rung nhĩ.
  • Máy ghi sự kiện (event monitoring): Thiết bị này tương tự như Holter ECG nhưng nó chỉ ghi lại hoạt động của tim tại một số thời điểm nhất định (khi bệnh nhân có triệu chứng và ấn nút ghi nhận lại), mỗi lần vài phút. Máy nhỏ gọn và được đeo lâu hơn Holter ECG, thường là 30 ngày.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Nghiệm pháp này bao gồm chạy bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp tĩnh, nhằm đánh giá hoạt động của tim khi gắng sức.
  • Chụp X-quang phổi: giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tim phổi.

Cả rung nhĩ và cuồng nhĩ đều chỉ tình trạng các xung điện trong tim nhanh hơn bình thường, nhưng xung điện của cuồng nhĩ có tổ chức còn của rung nhĩ là xung điện hỗn loạn. Cho dù bạn bị rung nhĩ hay cuồng nhĩ, điều quan trọng nhất là phải được chẩn đoán sớm để có phương pháp điều trị thích hợp, phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám