Són tiểu sau sinh là tình trạng khá phổ biến, nhất là ở những phụ nữ mang thai và sinh nở. Đây là vấn đề tế nhị khiến nhiều chị em ngại chia sẻ, cố chịu đựng hoặc làm theo các mẹo chữa són tiểu sau sinh mà không có cơ sở khoa học nào.

Són tiểu sau sinh là gì?
Són tiểu sau sinh là tình trạng rò rỉ một phần hoặc toàn bộ nước tiểu ra bên ngoài không thể tự chủ ở phụ nữ sau khi sinh. Hiện tượng này có thể giống như bị rò rỉ một ít nước tiểu khi bàng quang chứa đầy nước, khi phụ nữ thực hiện các cử động mạnh như ho, hắt hơi hoặc khi thực hiện các hoạt động thể chất như chạy, nhảy.
Phụ nữ mang thai nếu thường xuyên bị són tiểu sẽ có nhiều khả năng tiếp diễn tình trạng này sau khi sinh, thậm chí có thể nặng nề hơn. Thống kê cho thấy, trong thai kỳ và sau sinh nở, cứ 10 phụ nữ thì có đến 4 người gặp tình trạng són tiểu hoặc tiểu không tự chủ.
Thông thường, són tiểu khi mang thai sẽ dần thuyên giảm và biến mất sau khi sinh vài tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tình trạng tiểu són không thuyên giảm mà diễn tiến càng nặng nề. Một nghiên cứu năm 2016 trên 3.763 phụ nữ từng mang thai và sinh nở, chứng són tiểu vẫn tồn tại trong vòng 12 năm sau sinh ở ¾ trường hợp khi không có biện pháp can thiệp và kiểm soát.
Mặc dù són tiểu sau sinh là tình trạng khá phổ biến nhưng nhiều mẹ bầu sinh lần đầu cảm thấy xấu hổ, mặc cảm và tự ti về sự thay đổi này của cơ thể. Là chuyện tế nhị nên nhiều mẹ bầu ngại chia sẻ, cho rằng đây là vấn đề khó giải quyết. Thực tế, có rất nhiều cách trị són tiểu sau sinh, loại bỏ nhanh chóng và cải thiện hiệu quả vấn đề khó nói này.
Có 3 loại són tiểu sau khi sinh như sau:
- Són tiểu do áp lực: Là loại són tiểu do phụ nữ thực hiện các hoạt động gây áp lực lên bàng quang như ho, hắt hơi, cười, chạy nhảy hoặc tập thể dục ở cường độ mạnh.
- Són tiểu gấp: Là tình trạng muốn đi tiểu gấp, đột ngột và không thể kiểm soát, dẫn đến rò rỉ nước tiểu ra bên ngoài trước khi kịp đến nhà vệ sinh.
- Són tiểu kết hợp: Dạng kết hợp giữa tiểu són do áp lực và tiểu són gấp.
Nguyên nhân gây són tiểu sau khi sinh em bé
Quá trình mang thai sẽ gây áp lực lên các cơ sàn chậu – nơi hỗ trợ cho bàng quang. Khi thai nhi ngày càng lớn trong bụng mẹ, các cơ này bị suy yếu, cộng thêm áp lực trong quá trình sinh nở khiến việc kiểm soát hoạt động của bàng quang bị ảnh hưởng, gây ra sự rò rỉ nước tiểu.
Sự mất kiểm soát vùng sàn chậu trong suốt quá trình sinh nở cũng là nguyên nhân của tình trạng són tiểu sau sinh. Khi cấu trúc cơ sàn chậu bắt đầu hoạt động chậm lại, niệu đạo theo đó hoạt động đóng mở yếu, phản xạ chậm, gây ra hiện tượng rò rỉ nước tiểu.
Phụ nữ sinh nở nhiều lần, mang đa thai, cân nặng thai nhi lớn hoặc bị rách tầng sinh môn phức tạp khi chuyển dạ, sinh… sẽ ảnh hưởng đến cảm giác và khả năng kiểm soát hoạt động đi tiểu, dẫn đến chứng són tiểu. Ngoài ra, phụ nữ từng phẫu thuật điều trị sa sinh dục sẽ tăng nguy cơ bị són tiểu trong thai kỳ hoặc sau sinh.
Ngoài ra, chứng són tiểu sau sinh còn có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác như tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh béo phì, táo bón, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tình trạng ho kéo dài… Phụ nữ từng xạ trị vùng chậu hoặc có chấn thương ở cột sống cũng tăng nguy cơ bị són tiểu cần điều trị tích cực.
Dấu hiệu nhận biết són tiểu sau sinh
Són tiểu sau sinh là hiện tượng rò rỉ nước tiểu ra bên ngoài không theo ý muốn khi có bất cứ tác động nào lên bàng quang, dù mạnh hay nhẹ. Chẳng hạn, phụ nữ có thể bị són tiểu khi ho khan, hắt hơi, cười; khi thực hiện các hoạt động thể chất như tập thể dục, chạy, nhảy; khi khuân, vác, nâng một đồ vật nặng; khi thực hiện các hoạt động xoay chuyển người như đứng lên, cúi xuống. Thậm chí, nhiều phụ nữ bị són tiểu khi quan hệ tình dục, bởi bất kỳ hoạt động nào tác động lên bàng quang đều có thể gây rò rỉ nước tiểu.
Ngoài biểu hiện rò rỉ nước tiểu, phụ nữ có thể gặp phải tình trạng đi tiểu bất thường. Đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày, nhiều hơn 8 lần một ngày. Hoặc đi tiểu đêm, nhiều hơn 2 lần một đêm. Đái dầm cũng là một biểu hiện của chứng són tiểu.
Nhiều trường hợp nước tiểu tự trào ra không thể kiểm soát gây ướt quần. Có trường hợp khó tiểu phải rặn, có trường hợp buồn tiểu nhưng không thể tiểu ra giọt nào, cảm giác buồn tiểu không rõ ràng gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Són tiểu sau sinh có nguy hiểm không?
Mặc dù són tiểu sau sinh là hiện tượng khá phổ biến, không nguy hiểm nhưng có thể gây nhiều khó chịu và phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
Việc bị rò rỉ nước tiểu ngoài ý muốn có thể khiến việc sinh hoạt hàng ngày của chị em gặp nhiều khó khăn. Chị em phải ở gần nhà vệ sinh, hoặc luôn trong trạng thái lo lắng sợ không kịp đến nhà vệ sinh. Nhiều trường hợp nước tiểu són ra quần gây ướt và mùi khai khó chịu.
Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
Sau cuộc “vượt cạn”, thể chất và tinh thần của phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn. Việc đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày, đi tiểu đêm… có thể khiến chị em bị mất ngủ, thiếu ngủ dễ bị kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sữa mẹ cho con.
Gây ra các vấn đề ở da
Tình trạng són tiểu, da thường xuyên ẩm ướt nếu không chăm sóc tốt có thể gây phát ban, tăng nhiễm trùng da và nguy cơ bị lở loét.
Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
Chứng són tiểu sau sinh nếu không được can thiệp điều trị và chăm sóc hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phương pháp điều trị són tiểu sau sinh
Cách trị són tiểu sau sinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng són tiểu như tần suất, lượng nước tiểu rò rỉ, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ. Trường hợp bệnh do ảnh hưởng của quá trình sinh nở, chị em có thể cải thiện bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc hỗ trợ giảm chứng tiểu gấp và giảm tần suất đi tiểu, tập luyện bàng quang để có thói quen đi tiểu theo ý muốn.
- Luyện tập các bài tập dành riêng cho vùng cơ sàn chậu, hỗ trợ bàng quang để giúp kiểm soát hoạt động đi tiểu.
- Kích thích, phục hồi cảm giác, phản xạ chứa đựng và co bóp của bàng quang bàng quang, đóng mở cơ thắt niệu đạo kìm giữ nước tiểu.
Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp can thiệp phẫu thuật để lấy lại cảm giác và kiểm soát hoạt động đi tiểu. Có thể là:
- Đặt vòng nâng Pessary vào âm đạo, hỗ trợ mô âm đạo khắc phục tình trạng tiểu són.
- Phẫu thuật TOT (Trans Obturator Tape) đặt dải băng không tan lưới niệu đạo qua một đường rạch nhỏ ở thành trước âm đạo, nâng đỡ niệu đạo bị suy yếu. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, hiệu quả cao, phục hồi nhanh và ít biến chứng
Phòng ngừa són tiểu sau sinh bằng cách nào?
Để phòng ngừa chứng són tiểu sau sinh, cách tốt nhất là bảo vệ sàn chậu khỏi những tổn thương trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Chị em nên tập thể dục thể thao điều độ, giúp nâng cao sức khỏe và độ dẻo dai của cơ sàn chậu.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp, tránh tập luyện sai cách dẫn đến các tai biến sản khoa ảnh hưởng đến thai nhi. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập khoa học, vừa ngăn ngừa chứng són tiểu, vừa bổ ích cho quá trình hồi phục sau sinh.

—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn