Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ được xem là cách thức để trẻ thích nghi với môi trường mới, giúp cơ thể và não bộ phát triển một cách toàn diện. Do đó, trẻ sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Vậy thời gian ngủ của trẻ sơ sinh là như thế nào? Trẻ sơ sinh ngủ ít phải làm sao? Tình trạng này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?
Trẻ sơ sinh ít ngủ là như thế nào?
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ dành hầu hết thời gian trong ngày để ngủ. Ngoài thời gian ngủ, hoạt động chủ yếu của trẻ là bú mẹ, khi bú no, trẻ lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ ngủ ít hơn bình thường, dưới 10 tiếng/ngày. Lúc này, trẻ gặp phải tình trạng “trẻ sơ sinh khó ngủ”, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp để đảm bảo giấc ngủ và sự phát triển của trẻ.

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh
Ở những ngày đầu khi mới chào đời, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chiếm trung bình 16-18 giờ/ngày, chia đều cho cả ban ngày và ban đêm. Tức, nếu ban ngày trẻ ngủ 8-9 tiếng thì ban đêm trẻ sẽ ngủ khoảng 8 tiếng. Mỗi giấc ngủ của trẻ thường khá ngắn khoảng 1-2 giờ. Sau khi trẻ được khoảng 4 tuần tuổi, thời gian ngủ trong ngày sẽ giảm xuống còn khoảng 14 giờ/ngày.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh ít ngủ
Tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ít có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả các yếu tố chủ quan và khách quan. Việc xác định đúng nguyên nhân khiến trẻ ngủ ít sẽ giúp lựa chọn phương pháp khắc phục phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, gây ra tình trạng này:
- Phòng ngủ ồn ào, có nhiều tiếng ồn. Trong một số trường hợp khi nhà có khách, cười nói lớn tiếng vô tình gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ khó ngủ.
- Phòng ngủ của trẻ có quá nhiều ánh sáng khiến trẻ bị chói mắt dẫn đến khó ngủ.
- Không gian phòng ngủ quá kín, ẩm thấp, gây cảm giác bí tắt, thiếu khí. Ngoài ra, một số gia đình có thói quen nằm than hoặc nướng bồ kết khiến trẻ dễ bị ngạt khí, khó thở, không ngủ được.
- Trẻ mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ bẩm sinh.
- Việc thiếu hụt các dưỡng chất như canxi, kẽm,… khiến trẻ sơ sinh thường hay vặn mình, trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, dễ bị khó chịu, bứt rứt.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ ít. Lúc này, trẻ sẽ có một số biểu hiện đi kèm. điển hình như bú kém, mệt mỏi, khó thở, sốt,…
Dưới đây là một số trường hợp trẻ sơ sinh ngủ ít thường gặp và nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này mà bố mẹ nên biết:
1. Bé sơ sinh ngủ ít vào ban ngày
Trung bình, trẻ sơ sinh sẽ ngủ theo từng giấc ngắn, khoảng 2 tiếng/giấc vào ban ngày và khoảng từ 4-6 tiếng/ ban đêm. Tuy nhiên, ở giai đoạn sơ sinh, chu kỳ này sẽ không có sự khác biệt rõ rệt.
- Đối với trẻ 1 tuần tuổi: Giấc ngủ ban ngày của trẻ sẽ chiếm khoáng 8 giờ và giấc ngủ ban đêm sẽ chiếm khoảng 9 giờ.
- Đối với trẻ từ 1 tháng tuổi: Thời gian ngủ trong ngày của trẻ sẽ bắt đầu giảm dần. Vào ban ngày, trẻ sẽ dành khoảng 7 giờ để ngủ và dành khoảng 8 giờ cho giấc ngủ vào ban đêm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ ngủ ít vào ban ngày, bạn nên kiểm tra lại các yếu tố môi trường có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ như ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh…
2. Bé sơ sinh ngủ ít không sâu giấc
Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình, vặn mình, ngủ không sâu giấc phần lớn xảy ra do môi trường ngủ có nhiều tiếng ồn. Ngoài ra, tình trạng này có thể liên quan đến chế độ dinh dưỡng không phù hợp của mẹ bỉm khiến chất lượng sữa bị suy giảm dẫn đến trẻ sơ sinh thiếu chất. Hoặc do trẻ mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ bẩm sinh, hay do trẻ bị trào ngược dạ dày, dẫn đến cảm giác bứt rứt, khó chịu.
3. Bé sơ sinh đột nhiên ngủ ít
Nếu trẻ sơ sinh đột nhiên ngủ ít hơn bình thường nhưng trẻ vẫn bú tốt và tăng cân ổn định thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra trong vài ngày liên tiếp, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ sớm.
4. Bé sơ sinh ngủ ít, quấy khóc
Nếu trẻ sơ sinh ngủ ít không rõ nguyên nhân và quấy khóc thường xuyên, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh để được thăm khám và hỗ trợ điều trị ngay. Ngoài ra, nếu trẻ ngủ ít kèm theo các triệu chứng dưới đây, trẻ cũng cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt:
- Nhẹ cân;
- Biếng ăn;
- Khóc liên tục trên 2 giờ.
Trẻ sơ sinh ngủ ít có ảnh hưởng gì không?
Trẻ sơ sinh ngủ ít, ngủ không đủ giấc, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và nhận thức của trẻ mà còn là vấn đề khiến bố mẹ lo lắng và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sâu, trẻ sẽ có sức khỏe, chiều cao và trí não phát triển tốt hơn so với trẻ ngủ ít, dễ bị giật mình, thức giấc. Bên cạnh đó, khi trẻ sơ sinh ngủ ít, nhất là vào ban đêm, trẻ quấy khóc khiến những người xung quanh mất ngủ và luôn trong trạng thái mệt mỏi.
Việc ngủ sâu, ngủ đủ giấc ở trẻ sơ sinh đem đến nhiều lợi ích, điển hình như:
- Khi trẻ ngủ sâu, não sản sinh ra hormone tăng trưởng giúp trẻ phát triển thể chất và trí não tối ưu.
- Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong trưởng thành não bộ, học hỏi và trí nhớ. Mất ngủ trong những năm đầu đời, trẻ sẽ gặp khó khăn về chú ý, kiểm soát xúc cảm và hành vi kém, trì trệ nhận thức, rối loạn chuyển hóa đưa đến béo phì sau này.
- Sự gián đoạn giấc ngủ của trẻ cũng ảnh hưởng đến gia đình: dễ mệt mỏi kiệt sức, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất kém, ba mẹ tương tác kém với thành viên khác.
- Giấc ngủ trẻ cũng ảnh hưởng tâm trạng mẹ: giấc ngủ trẻ gián đoạn đồng nghĩa giấc ngủ mẹ gián đoạn, khi trẻ ngủ ngon sẽ giúp mẹ ít căng thẳng, tự tin hơn.
Trẻ sơ sinh ngủ ít phải làm sao?
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ít, giúp trẻ dễ ngủ, ngủ ngon và ngủ sâu giấc, bố mẹ có thể thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Giúp trẻ phân biệt ngày và đêm
Trẻ sơ sinh chưa thể tự phân biệt giữa ngày và đêm, nhưng mẹ có thể tập cho trẻ nhận biết sự khác nhau giữa 2 khoảng thời gian này:
- Ban ngày: Mẹ nên mở cửa để ánh nắng tràn vào nhà, tiếp xúc với da trẻ. Đây không chỉ là một cách giúp làm sạch da trẻ, bổ sung vitamin D hiệu quả, giúp xương chắc khỏe mà còn giúp trẻ cảm giác được sự khác biệt so với sự yên tĩnh của ban đêm.
- Ban đêm: Mẹ nên tạo không gian yên tĩnh, và thoải mái cho trẻ bằng cách hạn chế tối đa tiếng ồn, sử dụng ánh đèn nhẹ…
Bước 2: Cho trẻ bú no trước khi đi ngủ
Việc cho trẻ bú no trước khi đi ngủ có tác dụng cung cấp dưỡng chất và năng lượng cần thiết để cơ thể bé hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, điều này giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Do đó, bố mẹ nên chú ý cân bằng và bổ sung đủ dưỡng chất cho trẻ.
Bước 3: Chú ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ
Nếu trẻ sơ sinh ngủ ít, bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường đi kèm dưới đây, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ sớm:
- Quấy khóc liên tục;
- Sốt;
- Phát ban;
- Nôn trớ;
- Khó thở, thở khò khè,…
Bước 4: Hát ru con ngủ
Theo chia sẻ của các chuyên gia, hát ru không chỉ giúp trẻ ngủ ngon, ngủ sâu giấc mà còn có tác dụng kích thích sự phát triển của não bộ cũng như mang đến nhiều lợi ích khác cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Bằng những giai điệu nhẹ nhàng, êm tai, trẻ sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Do đó, hát ru là một cách giúp trẻ đi vào giấc ngủ được nhiều bố mẹ áp dụng. Tuy nhiên nếu bố mẹ không thể hát được, bố mẹ có thể bật một đoạn nhạc nhẹ nhàng, kết hợp với động tác vỗ về, xoa dịu trẻ để trẻ đi vào giấc ngủ.
Bước 5: Tạo thời khóa biểu sinh hoạt cho bé
Trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Việc xây dựng một chế độ sinh hoạt thích hợp sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, phát triển toàn diện, cùng cố và nâng cao hiệu quả của giấc ngủ.
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn