UỐNG NHIỀU SỮA CÓ GÂY DẬY THÌ SỚM KHÔNG?

Sữa cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, uống nhiều sữa có gây dậy thì sớm không? Đây là thắc mắc chung của các bậc phụ huynh bởi việc dậy thì sớm có thể sẽ khiến trẻ đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý và hạn chế chiều cao của trẻ.

Dậy thì sớm là bị gì?

Dậy thì là hiện tượng cơ thể trẻ phát triển thành cơ thể của người trưởng thành, hoàn thiện các chức năng sinh sản bởi nội tiết tố gửi tín hiệu từ não bộ đến tuyến sinh dục. Trong giai đoạn này, chiều cao, khối lượng cơ thể của trẻ sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ bắt đầu chậm lại đến khi cơ thể được phát triển hoàn toàn.

Thông thường, các bé gái sẽ bắt đầu quá trình dậy thì trong độ tuổi 9 – 13 tuổi, các bé trai sẽ bắt đầu quá trình dậy thì muộn hơn, từ 10 – 14 tuổi. Tuy nhiên, ở trẻ dậy thì sớm, quá trình này diễn ra sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

  • Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái: ngực phát triển (có thể có quả trám), tăng chiều cao nhanh chóng (có thể cao hơn so với bạn cùng lứa trong một thời gian ngắn), mọc lông mu, lông nách, có kinh nguyệt sớm sau 1 – 2 năm…
  • Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai: cơ quan sinh dục phát triển nhanh chóng, tinh hoàn và dương vật tăng kích thước, mọc lông nách, lông vùng kín, thay đổi giọng nói, phát triển chiều cao, có hiện tượng mộng tinh…

Uống nhiều sữa có gây dậy thì sớm không?

Sữa động vật (bò, trâu, dê) là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thành phần của sữa có đầy đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Ngoài ra, sữa và các sản phẩm từ sữa là cung cấp nhiều canxi, vitamin D giúp cho xương chắc khỏe.

Nhu cầu sữa cũng khác nhau theo từng độ tuổi của trẻ. Trẻ dưới 12 tháng tuổi có nhu cầu rất lớn về lượng sữa hàng ngày vì đây là nguồn dinh dưỡng chính cho bé. Trẻ từ 1 – 2 tuổi, nên uống từ 3 – 4 đơn vị sữa mỗi ngày (1 đơn vị sữa tương đương 100mg canxi = 100ml sữa tươi = 100g sữa chua = 15g phô mai). Trẻ từ 3-5 tuổi nhu cầu sữa là 4 đơn vị , trẻ từ 6 – 11 tuổi nhu cầu 4 – 6 đơn vị mỗi ngày. Trẻ từ 12 – 18 tuổi, nhu cầu sữa cần thiết là 6 đơn vị/ngày.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên hệ giữa việc uống sữa nhiều với dậy thì sớm. Hormone tăng trưởng IGF-I tự nhiên có mặt trong sữa bò, tuy nhiên, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã kết luận rằng chất IGF-I trong sữa bò không gây tác động trực tiếp lên cơ thể con người khi được tiêu thụ thông qua ăn uống.Vì vậy, việc trẻ uống nhiều sữa không gây ảnh hưởng lớn đến quá trình dậy thì của trẻ.

Tuy nhiên, trong các yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm có liên quan đến việc trẻ ăn uống không khoa học dẫn đến tình trạng béo phì, từ đó, gây dậy thì sớm. Nếu trẻ uống quá nhiều sữa so với mức quy định sẽ dẫn đến thừa năng lượng và chất dinh dưỡng gây thừa cân, béo phì ở trẻ vì sữa là sản phẩm hấp thu dễ và nhanh – là yếu tố thúc đẩy dậy thì sớm ở trẻ. Ngoài ra, việc ăn uống các thực phẩm chứa hormone tăng trưởng cũng khiến trẻ có nguy cơ rối loạn nội tiết, mất cân bằng sinh lý, dậy thì sớm.

Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ

Một số nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm gồm:

  • Giới tính: Bé gái có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn bé trai, bao gồm cả dậy thì trung ương và dậy thì ngoại vi liên quan đến thần kinh và hormone.
  • Chủng tộc: Trẻ thuộc chủng tộc người mỹ gốc Phi sẽ có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn những chủng tộc khác.
  • Tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết: Một số sản phẩm chăm sóc da có thành phần nội tiết. Khi sử dụng cho trẻ, những chất này có thể gây kích thích sản sinh hormone, gây dậy thì sớm.
  • Béo phì: Trẻ bị béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn những trẻ khác bởi các tế bào chất béo trong cơ thể sẽ tiết ra hormone Leptin, kích thích sự thèm ăn và phát triển khả năng sinh sản của con người.
  • Sử dụng đồ nhựa không đúng cách: Các sản phẩm nhựa, đặc biệt nhựa tái chế có chứa Phtalat. Đây là một chất có khả năng làm xáo trộn, thậm chí phá vỡ nội tiết khiến trẻ dậy thì sớm.
  • Có bất thường trong não bộ: Nếu trẻ có khối u ở vùng dưới đồi hay tuyến yên, hormone giới tính có thể bị kích thích, tăng cao khiến trẻ dậy thì sớm.

Phương pháp điều trị dậy thì sớm ở trẻ

Điều trị dậy thì sớm kịp thời và đúng cách sẽ giúp trẻ hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần do tình trạng này gây ra. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp được sử dụng trong điều trị dậy thì sớm ở trẻ gồm:

  • Tiêm hormone ức chế hoạt động của các tuyến nội tiết, làm chậm quá trình tăng trưởng.
  • Cân chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, tránh sử dụng các thức ăn gây ảnh hưởng đến nội tiết.
  • Điều trị tâm lý, tư vấn, hỗ trợ trẻ vượt qua các trở ngại khi trẻ dậy thì sớm.

Cách hạn chế nguy cơ dậy thì sớm

Thực hiện lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với lứa tuổi là cách tốt nhất để ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ. Dưới đây là một số các hạn chế nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ:

  • Cho trẻ ăn uống cân bằng dưỡng chất, hấp thụ vừa đủ đạm động vật. Hướng dẫn trẻ cách ăn uống và lựa chọn những thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe, tránh những thực phẩm gây dậy thì sớm ở trẻ.
  • Bổ sung nhiều thực phẩm xanh, rau củ và thực đơn hàng ngày của trẻ.
  • Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến hormone,…
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao thường xuyên, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ, tránh để béo phì.
  • Hạn chế cho trẻ dùng đồ nhựa tái chế, các sản phẩm chứa Phthalates, BPA.
  • Theo dõi sự phát triển của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay khi có dấu hiệu dậy thì sớm.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám