Viêm amidan mạn tính xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, làm suy giảm chất lượng sống. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ amidan.
Viêm amidan mạn tính gây ra tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều trẻ em bị viêm amidan và viêm họng tái phát nhiều lần trong năm.
Viêm amidan mạn tính là gì?
Viêm amidan là tình trạng viêm amidan ở hầu họng. Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác ở phía sau họng, bao gồm cả vòm họng và amidan lưỡi.
Viêm amidan mạn tính được chia làm 2 loại:
- Viêm amidan hốc mủ: Là tình trạng các hốc amidan bị viêm sưng, làm mủ màu trắng đục như bã đậu. Nguyên nhân là do sự tích tụ của thức ăn và các cặn bã khác, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
- Viêm amidan xơ teo: Là tình trạng của viêm amidan mạn, lâu ngày dẫn đến amidan bị xơ teo.

Đối tượng dễ mắc viêm amidan mạn tính
Trẻ em rất hay bị viêm amidan, mặc dù bệnh này hiếm khi được quan sát thấy dưới 2 tuổi.
Viêm amidan do vi khuẩn Streptococcus thường xảy ra ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi, trong khi viêm amidan do virus phổ biến hơn ở trẻ nhỏ hơn.
Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng, tỷ lệ trung bình của tình trạng mang mầm bệnh ở học sinh đối với Streptococcus nhóm A là khoảng 15,9%.
Triệu chứng viêm amidan mạn tính
Dấu hiệu viêm amidan mạn tính về cơ bản cũng giống như viêm amidan nói chung
- Miệng hôi;
- Sốt;
- Nuốt vướng;
- Mệt mỏi;
- Đau nhức cơ thể;
- Ho kéo dài;
- Đờm xanh hoặc vàng có thể lẫn sợi máu;
- Đau rát cổ họng;
- Khàn giọng hoặc mất giọng;
- Ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Viêm amidan mạn tính cũng có thể gây sỏi amidan. Điều này là do nước bọt, tế bào chết và thức ăn bị tích tụ trong các kẽ của amidan. Theo thời gian, các mảnh vụn đó vón lại với nhau, tạo thành những viên sỏi nhỏ có thể gây hôi miệng. Sỏi amidan có thể tự bong nhưng cũng có thể cần thực hiện thủ thuật để loại bỏ.
Ngoài ra, biểu hiện viêm amidan mạn tính còn đặc hiệu bởi thời gian bệnh kéo dài. Trong khi viêm amidan cấp tính, các triệu chứng thường chỉ kéo dài từ 3 ngày đến khoảng 2 tuần, viêm amidan mạn tính lại phát ra các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần và có thể tái phát nhiều lần trong năm.
Viêm amidan mạn tính cũng có thể gây ảnh hưởng đến amidan lưỡi, nằm ở phần dưới của lưỡi và viêm nhiễm các cấu trúc vùng mũi họng kèm theo.
Ngoài ra, viêm amidan mãn tính không được điều trị thường gây áp xe amidan. Đây là biến chứng nguy hiểm của viêm amidan mạn tính
Nguyên nhân gây viêm amidan mạn tính
Nguyên nhân gây viêm amidan mạn tính là do tình trạng viêm amidan cấp tính không được điều trị dứt điểm. Viêm tái phát nhiều lần dẫn đến viêm amidan mạn tính. Hoặc viêm kéo dài quá 2 tuần trở thành mạn tính.
Uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên cũng khiến cho tình trạng viêm amidan ở người lớn tăng cao.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng góp phần gây viêm amidan. Ví dụ như thời tiết thay đổi đột ngột, hít phải khói bụi độc hại, tình trạng ô nhiễm môi trường.
Người có tiền sử mắc các bệnh viêm xoang, viêm VA, viêm răng… cũng có nguy cơ bị viêm amidan cao hơn.
Theo đó, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh viêm amidan như:
- Có tiền sử mắc các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi hoặc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản…;
- Vệ sinh răng miệng kém;
- Ô nhiễm môi trường;
- Ăn thức ăn từ nguồn thực phẩm kém vệ sinh. Hoặc ăn/uống đồ lạnh như nước đá, kem…
- Thời tiết thay đổi đột ngột.

Biến chứng viêm amidan mạn tính
Mặc dù viêm amidan thường được kiểm soát theo triệu chứng với kết quả lâm sàng tốt, nhưng các biến chứng vẫn xảy ra. Tuy hiếm gặp nhưng áp xe, sốt thấp khớp, sốt ban đỏ và viêm cầu thận cấp tính là những biến chứng có thể xảy ra.
Áp xe quanh amidan là một tập hợp ổ mủ giữa cơ thắt hầu và amidan, và các triệu chứng viêm amidan thường xuất hiện trước khi chúng xuất hiện.
Thanh thiếu niên và thanh niên có nguy cơ mắc phải biến chứng này cao nhất, sau đó đến những người hút thuốc lá, tiểu đường và suy giảm miễn dịch…
Bệnh Lemierre là một biến chứng hiếm gặp của nhiễm trùng vùng hầu họng. Nó thường có biểu hiện nhiễm trùng huyết sau khi bị đau họng với huyết khối liên quan đến tĩnh mạch cảnh trong và thuyên tắc nhiễm trùng.
Bệnh Lemierre thường liên quan nhất với Fusobacterium necrophorum, mặc dù cũng xảy ra với nhiễm trùng Staphylococcal và Streptococcal. Trong thời đại của thuốc kháng sinh hiện đại, tỷ lệ tử vong thấp mặc dù các biến chứng có thể bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm tủy xương và viêm màng não.
Sốt thấp khớp và bệnh tim thấp khớp thường gặp hơn trong viêm amidan cấp tính do liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A. Tuy nhiên, biến chứng này cũng có thể xảy ra ở viêm amidan mạn tính.
Sốt thấp khớp là một bệnh viêm miễn dịch xảy ra sau khi nhiễm Streptococcus nhóm A. Nó thường xuất hiện ở những bệnh nhân từ 5-18 tuổi. Mặc dù hiếm gặp ở các nước phát triển, nhưng ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh cao tới 24/1000.
Bệnh ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan, phổ biến nhất là gây viêm khớp, biểu hiện ở các khớp lớn thường di chuyển, không đối xứng và đau đớn.
Cách phòng ngừa viêm amidan mạn tính
Phòng ngừa viêm amidan mạn tính quan trọng nhất là quản lý tốt khi vừa mắc phải bệnh. Điều trị dứt điểm tránh để viêm kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh viêm amidan cấp tính vì có thể dẫn đến thể mạn tính bằng các cách sau:
1. Đối với trẻ em
- Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi có các triệu chứng về tai mũi họng.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất nhằm tăng cường miễn dịch cho trẻ. Đặc biệt ưu tiên các loại trái cây và rau xanh như dâu tây và các loại quả mọng, bông cải xanh, cải bó xôi và cà rốt. Cho trẻ uống các loại vitamin (C, E, A) bổ sung cũng giúp phòng ngừa viêm nhiễm trong cơ thể.
- Tập thói quen đánh răng cho trẻ ngày hai lần vào buổi sáng và tối, súc miệng sau khi ăn hoặc uống nước ngọt, nước trái cây. Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
- Tập thói quen cho trẻ rửa tay bằng xà bông sau khi chơi đồ chơi xong, hoặc đi học về, trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi đông người.
- Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các loại virus gây bệnh truyền nhiễm.
2. Đối với người lớn
- Ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia;
- Uống nhiều nước;
- Súc miệng bằng nước muối hàng ngày;
- Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ;
- Hạn chế nói to, nói nhiều;
- Giữ ấm vùng họng khi thời tiết lạnh;
- Tập thể thao hàng ngày ăn uống khoa học, ưu tiên rau củ quả giàu các loại vitamin A, C, E;
- Tiêm phòng vắc xin cúm và các loại vắc xin có thể chủng ngừa các loại virus gây bệnh truyền nhiễm;
- Sát khuẩn tay thường xuyên;
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
#DSHOAITHUONG
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn