VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU ACYW: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ- PKĐK bác sĩ gia đình Doctor help

Viêm màng não mô cầu ACYW được xem là “bệnh tử”, 50% người bệnh tử vong nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí tử vong chỉ trong 24h đầu tiên khởi phát bệnh. Dù sống sót, người bệnh rất dễ mắc các di chứng vĩnh viễn như liệt, điếc, cụt chi,…

Viêm màng não mô cầu ACYW là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu ACYW là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở lớp màng bao bọc não và tủy sống, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis thuộc tuýp A,C,Y,W-135 gây ra. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm và rất khó nhận biết, phát hiện sớm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng vĩnh viễn về thần kinh.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn Neisseria meningtidis ở mũi, hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng (tức là người lành mang trùng) chiếm từ 5% đến 25%. Vi khuẩn não mô cầu khu trú ở vùng hầu họng, sau đó chúng vượt khỏi hàng rào miễn dịch, tấn công người bệnh, hoặc lây sang người lành. Đáng lo ngại, vi khuẩn này dễ dàng lây trực tiếp từ người sang người, thông qua dịch tiết, giọt bắn khi tiếp xúc gần và lâu với người bệnh, lúc hôn, hắt hơi, ho.”

Nguyên nhân viêm màng não mô cầu ACYW

Trong tự nhiên, ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu là cơ thể người. Nguyên nhân viêm não mô cầu ACYW là do sự xâm nhập của vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện tổng 13 type huyết thanh của não mô cầu khuẩn với khả năng gây bệnh tại các cơ quan với các biểu hiện khác nhau. Trong đó, theo nghiên cứu tại Việt Nam các type gây bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất là A, B, C, W và Y.

Não mô cầu khuẩn là loại vi khuẩn hiếu khí tuyệt đối, chỉ có thể sống trong những môi trường giàu chất dinh dưỡng. Đây là một loại cầu khuẩn gram âm với hình dạng khi được soi dưới kính hiển vi là dạng song cầu, giống như hạt cà phê với kích thước khoảng 0,8 x 0,6 mm.

Vi khuẩn não mô cầu lưu hành hàng năm trên thế giới. Chúng thường đứng thành đôi riêng lẻ hoặc tụ lại thành đám nhỏ. Do có sức đề kháng kém nên chúng có thể dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 50oC trong 5 phút hoặc 100oC trong khoảng 30 giây. Ở môi trường bên ngoài cơ thể, chúng có thể sống trong 3 – 4 giờ.

Triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu ACYW

Triệu chứng của viêm màng não mô cầu ACYW thường khởi phát rất đột ngột, ban đầu giống như cảm cúm thông thường, nhiễm siêu vi nên nhiều trẻ em và người lớn, thậm chí nhiều các bác sĩ khó chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm. Cụ thể, các triệu chứng sớm như sốt, khó chịu, đau họng… là không đặc hiệu, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh hô hấp khác.

Đặc biệt, bệnh diễn tiến nhanh trong 24 giờ, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Buổi sáng có thể trẻ rời nhà đi học với tình trạng bình thường. 8 giờ đầu, trẻ sẽ sốt, cáu gắt, buồn nôn, chán ăn. 8 tiếng tiếp theo, trẻ xuất hiện các nốt ban (xuất huyết) màu đỏ, tập trung ở các vùng da non như bẹn, đùi, kèm cứng cổ, sợ ánh sáng.

8 tiếng sau, các vết ban sẽ lan khắp cơ thể. Không chỉ viêm màng não, trẻ còn bị nhiễm trùng máu. Từ màu đỏ, ban chuyển sang thâm đen, quá trình hoại tử tiến triển mạnh. Lúc này, trẻ sẽ rơi vào hôn mê, mê sảng, co giật, mất ý thức, có thể tử vong. Trong khi đó, ghi nhận trên thực tế, thời điểm nhập viện của đa số bệnh nhân là vào giờ thứ 19 – đây là thời điểm theo các bác sĩ chuyên khoa là quá trễ để điều trị.

Viêm não mô cầu ACYW có lây không?

CÓ! Viêm màng não mô cầu ACYW là bệnh có thể lây truyền trực tiếp nhanh chóng từ người sang người, thông qua giọt bắn hoặc dịch tiết đường hô hấp (ho, hắt hơi, hôn) của người mang mầm bệnh.

Đặc biệt, não mô cầu khuẩn là vi khuẩn có thể sống rất lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể nên chúng có khả năng lây nhiễm bệnh rất mạnh. Do vậy, việc tiếp xúc ở khoảng cách gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm màng não mô cầu sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Điều này gây ra mối lo ngại lớn về nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở những nơi công cộng như trường mầm non, ký túc xá, trường học…

Đối tượng dễ mắc viêm não mô cầu tuýp ACYW

Ai cũng có thể mắc bệnh viêm màng não do mô cầu tuýp ACYW, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Trong đó, các đối tượng nguy cơ dễ mắc viêm não mô cầu tuýp A,C,Y,W phổ biến nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14 đến 20 tuổi, người già và người bị suy giảm miễn dịch. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 người mắc bệnh, nhưng có đến một nửa người mắc viêm màng não mô cầu ACYW sẽ tử vong trong vòng 24 giờ, nếu không được can thiệp kịp thời.

Mỗi năm thế giới có 1,2 triệu người mắc viêm não mô cầu, 135.000 ca tử vong (1). Ở nước ta, các đợt dịch xuất hiện lẻ tẻ. Năm 1977, TP. HCM bùng phát đợt dịch viêm màng não mô cầu lớn, với 1.015 ca mắc (2). Vào dịp Tết Nguyên đán 2012, viêm màng não mô cầu lan ra 8 quận, huyện ở TP HCM với 12 ca mắc. Tháng 2/2016, khi một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương tử vong vì viêm màng não mô cầu, 50 người tiếp xúc gần đã phải cách ly, giám sát y tế chặt chẽ…

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm màng não ACYW

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều yếu tố nguy cơ khiến trẻ em và người lớn dễ mắc bệnh viêm màng não ACYW-135, cụ thể:

1. Không tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch, đặc biệt các mũi nhắc lại

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu ACYW và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu ACYW chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia nên tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm ngừa các loại vắc xin này chưa cao.

Trong khi đó, không cần phải sống trong khu vực có dịch bệnh lưu hành, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm viêm màng não mô cầu ở lứa tuổi vị thành niên và thành niên chiếm tỷ lệ cao – đây là nhóm đối tượng chưa từng tiếp cận với vắc xin hoặc quên tiêm mũi nhắc lại.

2. Người bị suy giảm miễn dịch

Những người suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc viêm màng não mô cầu cao hơn so với người bình thường, cụ thể các nhóm đối tượng như:

  • Người bệnh HIV/ AIDS
  • Người bị rối loạn tự miễn dịch
  • Người bệnh ung thư, đang hóa trị liệu
  • Người cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương
  • Người phải sử thuốc ức chế miễn dịch

3. Phụ nữ đang mang thai

Trong suốt thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ bầu suy giảm hơn so với bình thường. Sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch của phụ nữ trong thai kỳ có thể làm tăng tính cảm nhiễm mầm bệnh, sự bộc phát của các dạng tiềm ẩn. Do đó, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng cần được bảo vệ trước căn bệnh viêm màng não mô cầu ACYW nguy hiểm.

4. Tuổi tác

Mặc dù ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu, nhưng một số nhóm tuổi nhất định có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cụ thể trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn tuổi.

Chẩn đoán viêm não mô cầu ACYW

Viêm màng não mô cầu ACYW có thể bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, các bệnh lý về thần kinh – não như bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae b), viêm màng não do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae). Để chẩn đoán phân biệt viêm màng não mô cầu ACYW, các bác sĩ chỉ định một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sau:

Loại mẫu bệnh phẩm

  • Ngoáy họng lấy chất nhầy ở thành họng;
  • Lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết;
  • Lấy dịch não tuỷ.

Phương pháp xét nghiệm

  • Nhuộm gram soi kính hiển vi tìm song cầu khuẩn hình hạt cà phê, thường trú ngụ trong bào tương của bạch cầu đa nhân.
  • Phân lập vi khuẩn não mô cầu.

Biến chứng não mô cầu ACYW

Viêm màng não mô cầu diễn tiến nhanh, có thể chuyển xấu trong 24 giờ, do 2 nguyên nhân chính là nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn huyết gây ra do não mô cầu khuẩn có ba thể gồm: tối cấp, cấp và mạn tính.

Ở thể tối cấp, bệnh được tiên lượng nặng ngay từ đầu với triệu chứng trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt do rối loạn vi tuần hoàn kết hợp với hội chứng đông máu rải rác nội mạch. Tình trạng này khiến người bệnh bị suy hô hấp, suy tuần hoàn do tình trạng giảm oxy máu, giảm thể tích nội mạch do đông máu nội mạch rải rác hoặc rơi vào tình trạng thoát vị não (nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong giai đoạn cấp tính).

Đáng lo ngại, dù được điều trị, 8-15% bệnh nhân vẫn tử vong vì biến chứng quá nặng. Trong số những người còn sống, 20% chịu hậu quả nặng nề, hoặc vĩnh viễn như bại liệt, cụt tay chân do hoại tử, điếc, động kinh, chậm phát triển trí não…

Cách điều trị viêm màng não mô cầu ACYW

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh do não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao cấp 5 lần bệnh cúm. Để phát hiện sớm các trường hợp trẻ bị viêm não và tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng như: sốt rất cao kèm đau đầu, uống hạ sốt không hạ, buồn nôn và nôn ngay cả khi không đúng bữa ăn, cơ thể kích thích, vật vã, trẻ sơ sinh thì khóc thét, li bì… Bất kỳ khi nào nếu cảm thấy tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi nhanh chóng, hãy nhập viện cấp cứu ngay, kể cả trước đó được bác sĩ thăm khám trong ngày.

Nguyên tắc điều trị viêm màng não mô cầu ACYW-135

Để điều trị viêm màng não mô cầu ACYW-135 hiệu quả, các bác sĩ dùng sunfamit, penicillin và/ hoặc các kháng sinh điều trị và dự phòng khác phải đảm bảo các loại thuốc này nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu.

Điều trị dự phòng

Sunfamit dùng trong 5 ngày.

  • Ở trẻ em là 1 gram/ngày chia đều 2 lần.
  • Ở người lớn là 2 gram/ngày chia đều 2 lần.
  • Ở trẻ dưới 5 tuổi với liều là 0,05 gram/kg/ngày, chia đều 2 lần trong 5 ngày.

Nếu Sunfamit không còn nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu, có thể dùng rifamycin với liều người lớn 600 mg/ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày. Ở trẻ em > 1 tháng tuổi liều 10 mg/kg/ngày; trẻ < 1 tháng tuổi với liều 5 mg/kg/ ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày.

Điều trị đặc hiệu

  • Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi uống Ampicillin 200 mg/kg, Cephalosporin thế hệ III 100 mg/kg, tiêm tĩnh mạch từ 2 đến 3 lần trong 24 giờ.
  • Trẻ dưới 10 tuổi uống Ampicillin 200 mg/kg, Chloramphenicol 25 mg/kg hoặc Ampicillin và Cephalosporin liều như trên tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ.
  • Đối với người lớn dùng Penicillin G 2 triệu đơn vị, tiêm tĩnh mạch cách 2 giờ/lần hoặc ampicillin 2g, hoặc cephalosporin thế hệ III 2 gr, tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh não mô cầu ACYW?

Để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu ACYW, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Kết hợp dọn dẹp vệ sinh nơi ở và nơi làm việc để đảm bảo môi trường thông thoáng. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cho trẻ vận động phù hợp để nâng cao thể trạng, sức đề kháng.

Ngoài các biện pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu ACYW trên, tiêm chủng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động ngăn ngừa bệnh, giúp giảm thiểu ảnh hưởng, di chứng nặng nề, nguy cơ tử vong do não mô cầu khuẩn ở trẻ em và người lớn. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã mất đi người thân chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ vì căn bệnh viêm màng não do não mô cầu ACYW-135. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cộng đồng cần cải thiện mức độ bao phủ vắc xin để nhiều người được bảo vệ hơn khỏi các bệnh do não mô cầu khuẩn ACYW.

Hiện nay, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Doctor Help đang có đầy đủ vắc xin Menactra (Mỹ) – đây là vắc xin cộng hợp thế hệ mới phòng ngừa các bệnh xâm lấn như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135, dành cho trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi. Phác đồ tiêm cụ thể vắc xin Menactra được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng: 2 liều cách nhau ít nhất 3 tháng.
  • Trẻ em từ 2 tuổi đến 55 tuổi (trước sinh nhật lần thứ 56): 1 liều duy nhất.

Viêm màng não mô cầu ACYW có thể gây tử vong trong 24h sau triệu chứng khởi phát đầu tiên, nếu may mắn điều trị khỏi, bệnh để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như chậm phát triển, điếc, liệt, thậm chí tử vong. Tiêm vắc xin Menactra là “lá chắn” hữu hiệu để tạo miễn dịch chủ động cơ bản và nhắc lại phòng các bệnh xâm lấn do não mô cầu khuẩn.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám