VIÊM RUỘT THỪA CẤP: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng cấp cứu thường gặp nhất trong bệnh lý ngoại khoa ổ bụng, cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm tránh biến chứng nguy hiểm. Dấu hiệu điển hình phải kể đến là đau vùng hố chậu phải cùng các triệu chứng biến đổi đa dạng tùy vào từng người bệnh. Trong hầu hết mọi trường hợp, phẫu thuật cắt ruột thừa là giải pháp tối ưu nhất để tránh vỡ hoặc hoại tử cơ quan.

Viêm ruột thừa cấp là gì?

Viêm ruột thừa cấp tính là tình trạng nhiễm khuẩn trong lòng ruột thừa bị tắc, nguyên nhân có thể do: Quá sản thành ruột thừa, sỏi phân, ký sinh trùng (giun đũa chui vào ruột thừa), các dị vật (hạt quả)… Đây là một trường hợp cấp cứu y tế, cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu viêm kéo dài, nhiễm trùng có thể lây lan vào khoang bụng – vùng cơ thể chứa gan, tuyến tụy, ruột… đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Theo đó, phương pháp điều trị tối ưu là dùng thuốc kháng sinh kết hợp phẫu thuật cắt bỏ.

Viêm ruột thừa cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là giai đoạn từ 10 – 20 tuổi. Trong đó, nam giới chiếm ưu thế hơn, với tỷ lệ nam/nữ là 1,4:1.

Nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa cấp

Viêm ruột thừa cấp thường xảy ra do ruột thừa bị tắc nghẽn, làm tăng áp lực bên trong và ứ trệ tuần hoàn. Lúc này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi, tích tụ mủ, từ đó làm tổn thương thêm thành ruột, dẫn đến đau nhức và kích ứng. Nếu tình trạng viêm không cải thiện, một phần thành ruột có thể bị hoại tử, dẫn đến hình thành lỗ thủng, lúc này mủ và nước phân chảy vào ổ bụng. Đây là trường hợp cấp cứu y tế, cần được can thiệp điều trị khẩn cấp.

Bên cạnh nguyên nhân tắc nghẽn do sỏi phân, nhiễm khuẩn cũng có thể xuất hiện do một số yếu tố khác như:

  • Ký sinh trùng (Giun đũa chui vào lòng ruột).
  • Dị vật trong ruột, điển hình như hạt trái cây.
  • Quá sản tổ chức bạch huyết trong khu vực, phổ biến hơn ở những người mắc các chứng rối loạn dẫn đến viêm ruột, chẳng hạn như: Viêm túi thừa, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
  • Các khối u ở ruột thừa (trường hợp này rất hiếm).

Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính

Triệu chứng viêm ruột thừa cấp thường xuất hiện nhanh chóng và đột ngột, bắt đầu bằng đau bụng vùng hố chậu phải, lúc đầu có thể ở vùng trên rốn hay quanh rốn rồi khu trú dần ở hố chậu phải. Ruột thừa có thể bị hoại tử hoặc vỡ trong vòng từ 24 – 72 giờ nên bắt buộc phải điều trị kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Một số dấu hiệu có thể nhận biết bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn (đặc biệt ở trẻ em).
  • Rối loạn tiêu hóa như: chán ăn, táo bón, ỉa chảy…
  • Người bệnh có thể thấy mệt mỏi, sốt.
  • Môi khô, lưỡi bẩn.

1. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp khi mang thai

Trong 6 tháng đầu mang thai, triệu chứng viêm ruột thừa cấp không có nhiều khác biệt so với phụ nữ bình thường, điển hình như:

  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Chuột rút.

Nếu triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và chuột rút xảy ra kéo dài, người bệnh nên tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp. Ngoài ra, tử cung cũng có thể đẩy ruột thừa vào vùng bụng trên vài cm, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Đối với trường hợp này, cơn đau do viêm ruột thừa thường xảy ra ở phía trên bên phải bụng và lệch ra sau lưng, thay vì chỉ xuất hiện tại vị trí thông thường (phía dưới bên phải bụng).

Trong 3 tháng cuối thai kỳ,viêm ruột thừa cấp thường rất khó chẩn đoán vì giảm độ nhảy cảm của thành bụng và ảnh hưởng nội tiết tố nữ. Đặc biệt lưu ý là tiến triển viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai rất nhanh chóng dẫn đến hoại tử vì vậy cần chẩn đoán đúng và chỉ định can thiệp sớm là điều cần thiết để bảo vệ tính mạng người mẹ và thai nhi.

2. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên

Trẻ em có nhiều khả năng bị viêm ruột thừa cấp, đặc biệt là trong giai đoạn từ 10 – 16 tuổi. Trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này thường rất khó khăn trong việc mô tả triệu chứng cụ thể. Do đó, các bậc phụ huynh nên theo dõi sát sao để dễ dàng nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:

  • Đau bụng, co chân bên phải gấp vào bụng.
  • Sốt.
  • Ỉa chảy, nôn.
  • Trằn trọc quấy khóc.
  • Bụng chướng

Viêm ruột thừa cấp tính ở trẻ em thường dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày ruột. Việc chẩn đoán sai có thể làm tăng nguy cơ hoại tử và vỡ ruột thừa.

Biến chứng viêm ruột thừa cấp tính

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng khẩn cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp điều trị kịp thời. Một số biến chứng nguy hiểm cần được cảnh báo bao gồm:

1. Thủng ruột thừa

Khi ruột thừa bị tắc nghẽn, dịch và các chất nhầy bên trong không thể thoát ra ngoài, ngược lại sẽ tích tụ, làm tăng áp lực bên trong cơ quan. Điều này dẫn đến hiện tượng sưng tấy đồng thời kích thích vi khuẩn gây hại sinh sôi. Từ đây, nguồn cung cấp máu đến ruột thừa bị ứng chế. Về lâu dài, lưu lượng máu giảm, vết thương không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng chết tế bào, mô trở nên xốp hoặc hình thành lỗ thủng. Tình trạng này được gọi là vỡ hoặc thủng ruột thừa.

Hệ luỵ đáng lo ngại nhất là rò rỉ vi khuẩn, mủ ra khỏi cơ quan, đi vào các mô xung quanh, dẫn đến viêm phúc mạc. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, gây đau đớn cho người bệnh và cần can thiệp y tế khẩn cấp. Ngoài viêm phúc mạc, áp xe và hoại thư cũng là biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng thủng ruột thừa có nguy cơ chuyển biến xấu theo thời gian. Mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau giữa các trường hợp. Tuy nhiên, tất cả người bệnh đều cần chăm sóc y tế chuyên nghiệp để có giải pháp điều trị hợp lý và hiệu quả.

2. Viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc không phổ biến nhưng nếu xảy ra sẽ là một trường hợp cấp cứu y tế bởi mức độ nguy hiểm gây ra. Đây là tình trạng nhiễm trùng lây lan từ ruột thừa đến lớp niêm mạc của khoang bụng. Triệu chứng điển hình là đau, mức độ đau càng nghiêm trọng khi nhiễm trùng lan rộng.

Thông thường, ruột thừa bị thủng sẽ gây đau đớn cho phúc mạc gần ruột thừa nhất, sau đó lan xa hơn. Triệu chứng càng trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh thực hiện động tác uốn cong hông, ho, hoặc chịu tác động từ áp lực sờ, nắn. Một số dấu hiệu đi kèm khác bao gồm:

  • Sốt, nhiệt độ cơ thể từ 38 độ C / 100,4 độ F trở lên.
  • Ớn lạnh.
  • Tiêu chảy hoặc giảm nhu động ruột (hồi tràng).
  • Huyết áp thấp.
  • Tim đập nhanh.
  • Lượng nước tiểu ít.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Áp xe quanh ruột thừa

Đây là biến chứng phổ biến nhất xảy ra do ruột thừa bị thủng. Cụ thể, áp xe là một tập hợp mủ hình thành trong một mô, không gian hoặc cơ quan trong cơ thể. Những người gặp phải tình trạng này có thể bị đau bụng và sốt cao, nhưng bởi là những triệu chứng khá phổ biến nên việc khám sức khỏe thông thường khó có thể chẩn đoán chính xác. Theo đó, siêu âm bụng hoặc chụp CT được chỉ định thực hiện phổ biến để xác định áp xe đã hình thành.

Nếu áp xe nhỏ, người bệnh sẽ được tiêm thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch để làm giảm kích thước. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cũng đồng thời được chỉ định thực hiện vài tuần sau đó. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi sát sao tình trạng bệnh.

Nếu áp xe lớn hơn hoặc có nhiều túi mủ khác nhau, bác sĩ sẽ thực hiện dẫn lưu và tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu tình trạng được cải thiện, ống dẫn lưu sẽ được đặt lại cho đến khi áp xe được làm sạch. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa tiếp tục tiến hành sau đó vài tuần. Trong trường hợp áp xe lớn, nhiều ngăn, mổ dẫn lưu cần được thực hiện nhanh chóng. Phẫu thuật cắt bỏ cũng có thể tiến hành cùng lúc nếu đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Điều trị viêm ruột thừa cấp

Đối với bệnh viêm ruột thừa cấp tính, người bệnh sẽ cần phẫu thuật ngay để cắt bỏ cơ quan, nếu để lâu, nguy cơ vỡ sẽ rất cao. Theo đó, hai phương pháp mổ được áp dụng phổ biến gồm:

  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt nhỏ ở bụng để loại bỏ ruột thừa.
  • Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ rạch một đường duy nhất phía dưới bên phải bụng để cắt bỏ ruột thừa.
  • Nếu ruột thừa bị vỡ, có nguy cơ gây nhiễm trùng nghiêm trọng trong ổ bụng, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành song song mổ cắt bỏ ruột thừa và làm sạch ổ bụng.

Viêm ruột thừa cấp có phải mổ không?

Trong một số ít trường hợp, thuốc kháng sinh có khả năng điều trị hiệu quả viêm ruột thừa cấp ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để tránh biến chứng nguy hiểm.

#DSHOAITHUONG

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám