VIÊM TAI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Viêm tai là bệnh phổ biến ở cả người trưởng thành và trẻ nhỏ. Đây là nguyên nhân lớn nhất gây suy giảm thính lực hoặc điếc trên toàn thế giới.

Viêm tai là gì?

Viêm tai là tình trạng tai bị nhiễm trùng dẫn đến viêm và đau. Tình trạng viêm có thể kèm sưng tấy, chảy mủ tai, tai có mùi hôi và có thể nghe kém.

Các bệnh viêm tai thường gặp

Các loại viêm tai thường gặp bao gồm:

1. Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là bệnh nhiễm trùng cấp tính của da ống tai thường do vi khuẩn và nấm gây ra. Vi khuẩn Pseudomonas là nguyên nhân phổ biến nhất của loại viêm tai này.

Tai ngoài bao gồm loa tai và ống tai ngoài, được tính từ màng nhĩ ra bên ngoài tai.

Viêm tai ngoài được chia thành các loại bao gồm:

1.1 Viêm tai ngoài lan tỏa cấp tính

Có thể biểu hiện dưới dạng nhọt cục bộ hoặc nhiễm trùng lan tỏa toàn bộ ống tai.

1.2 Viêm tai do bơi lội

Là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường gây ra do nước đọng lại trong ống tai ngoài trong một thời gian dài, tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển. Loại viêm tai này có thuật ngữ tiếng Anh là swimmer’s ear, bệnh thường gặp nhất ở trẻ em và không lây nhiễm.

1.3 Nấm ống tai ngoài

Là tình trạng tai ngoài bị viêm và nhiễm trùng do nhiễm nấm. Các loài nấm gây bệnh cho tai ngoài phổ biến nhất là Aspergillus và Candida.

2. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa. Loại viêm tai này phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ.

Tai giữa bao gồm xương chũm và hòm nhĩ thông nhau. Nó thuộc một phần của xương thái dương, chứa đầy khí.

Có ba loại viêm tai giữa, bao gồm:

2.1 Viêm tai giữa cấp tính (AOM)

Chỉ xảy ra trong một đợt ngắn ngày, thường không quá 4 tuần, sau đó sẽ tự khỏi.

2.2 Viêm tai giữa thanh dịch (OME)

Tình trạng này xảy ra khi chất dịch tích tụ trong tai giữa mà không gây nhiễm trùng. Viêm tai giữa thanh dịch thường không gây sốt hay đau tai.

2.3 Viêm tai giữa mủ mạn tính (CSOM)

CSOM là hậu quả của viêm tai giữa cấp tính nhưng không điều trị triệt để. Tình trạng này bao gồm viêm tai giữa và được đặc trưng bởi dịch tiết dai dẳng từ tai giữa thông qua một lỗ thủng màng nhĩ.

2.4 Viêm tai ngoài ác tính

Đây là bệnh viêm xương nghiêm trọng của xương thái dương (thường do vi khuẩn Pseudomonas). Tình trạng này tương đối hiếm gặp, xảy ra ở người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường và người suy giảm miễn dịch.

3. Viêm tai trong

Viêm tai trong là tình trạng tai trong bị nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể do nhiễm virus cảm cúm nhưng cũng có thể do tình trạng nhiễm trùng từ tai giữa lan vào trong.

Tai trong bao gồm ốc tai, các ống bán khuyên và tiền đình.

Viêm tai trong được chia làm hai loại:

3.1 Viêm mê nhĩ

Viêm mê nhĩ là một bệnh nhiễm trùng mê nhĩ tai. Mê nhĩ là một phần của tai trong giúp kiểm soát thính lực và sự thăng bằng. Viêm mê nhĩ thường có nguyên nhân từ nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

3.2 Viêm dây thần kinh tiền đình

Viêm dây thần kinh tiền đình là một bệnh nhiễm trùng dây thần kinh tiền đình, thường gặp sau khi nhiễm cúm. Dây thần kinh tiền đình là một phần của tai trong, giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ cơ quan tiền đình về não.

Nguyên nhân viêm tai

Nguyên nhân gây viêm tai phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn, virus và nấm. Trong đó, các loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và virus cảm lạnh là tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm tai.

Ngoài ra, bệnh viêm tai còn có các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tổn thương tai
  • Bơi lội
  • Suy giảm miễn dịch
  • Viêm mũi xoang
  • Dị ứng
  • Viêm da tiết bã
  • Bệnh vảy nến
  • Chàm
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ thính lực
  • Phẫu thuật tai
  • Trẻ nhỏ vệ sinh tai kém

Dấu hiệu viêm tai

Dấu hiệu viêm tai rất đa dạng, trong đó, một số triệu chứng viêm tai thường gặp nhất bao gồm:

  • Đau nhức tai
  • Tai sưng, tấy đỏ
  • Chảy mủ tai
  • Tai có mùi hôi
  • Ngứa tai
  • Ù tai
  • Giảm thính lực
  • Sốt

Ngoài ra, biểu hiện viêm tai nặng có thể thêm các triệu chứng như:

  • Chóng mặt
  • Mất thăng bằng
  • Đau nhức đầu
  • Nghe kém

Các biến chứng của bệnh viêm tai

Viêm tai có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các biến chứng có thể gặp như:

  • Thủng màng nhĩ dẫn đến nghe kém;
  • Viêm xương chũm;
  • Viêm mê nhĩ dẫn đến rối loạn tiền đình với các biểu hiện mất cân bằng, chóng mặt;
  • Liệt mặt do tổn thương dây thần kinh vận động cơ mặt (thần kinh mặt);
  • Các biến chứng nội sọ nguy hiểm như viêm màng não, apxe nội sọ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm tai

Để phòng ngừa bệnh viêm tai, bác sĩ khuyên mọi người nên chú ý như sau.

  • Tiêm phòng các loại vắc xin cúm và vắc xin phế cầu khuẩn để bảo vệ chống lại một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi do Streptococcus.
  • Luôn giữ vệ sinh tay.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú ít nhất 12 tháng.
  • Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
  • Lau thật khô tai sau khi bơi.
  • Không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai, vệ sinh tai
  • Lấy ráy tai đúng cách, tránh làm tổn thương tai.
  • Ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra tai để phòng nguy cơ nhiễm nấm tai.
  • Tránh nhiễm cúm gây biến chứng ảnh hưởng đến tai
  • Những người sử dụng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai nên thường xuyên tới bệnh viện để kiểm tra tình trạng thiết bị.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám