8 BIẾN CHỨNG VIÊM KHỚP DẠNG THẤP NGUY HIỂM THƯỜNG GẶP

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, phá hủy các thành phần của khớp gây sưng đau và hạn chế vận động các khớp của người bệnh. Khi không có biện pháp xử trí sớm, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vì thế, người bệnh cần được điều trị sớm để làm chậm tiến triển bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là một bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính. Tổn thương của bệnh thường xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh lý phổ biến ở nữ giới hơn nam giới, thường ở độ tuổi trung niên, kèm theo những dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng rõ ràng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch (vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn/virus) gặp trục trặc và tấn công các mô lành ở trong cơ thể. Tình trạng này gây viêm màng hoạt dịch, phá hủy bề mặt sụn khớp khiến các khớp bị sưng, nóng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương các cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…

Bệnh thường gây ảnh hưởng tới các khớp đối xứng trong cơ thể như cả hai tay, hai cổ tay, hai đầu gối và có tính chất di chuyển. Đây là điểm phân biệt bệnh lý viêm khớp dạng thấp với những loại viêm khớp khác. Tình trạng viêm có thể xuất hiện ở 2 hoặc nhiều khớp (thường từ 4 – 5 vị trí).

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp rất nguy hiểm, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Viêm khớp dạng thấp là một trong các loại bệnh viêm khớp gây tàn phế nhiều nhất. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ diễn biến mạn tính với các đợt tiến triển liên tiếp. Khi đó, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, thậm chí không còn khả năng phục hồi.

8 biến chứng viêm khớp dạng thấp cực kỳ nguy hiểm

Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng viêm khớp dạng thấp như:

1. Loãng xương

Bản thân bệnh lý nguy hiểm này cùng với một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Đây là tình trạng suy yếu xương, khiến xương trở nên giòn, dễ gãy; ở lứa tuổi thanh thiếu niên ảnh hưởng tới phát triển chiều cao.

Hình thành các nốt dưới da tại những khu vực khớp chịu áp lực lớn như khuỷu tay. Ngoài ra, các nốt này còn có thể hình thành tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả ở phổi.

2. Khô mắt, khô miệng

Người bệnh có nguy cơ cao đồng mắc hội chứng Sjogren (một dạng rối loạn làm giảm tiết dịch trong mắt và miệng).

3. Nhiễm trùng

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh lý này có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

4. Bất thường trong thành phần cơ thể

Tỷ lệ mỡ so với cơ thường cao hơn ở người bệnh viêm khớp dạng thấp, ngay cả khi chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh ở mức bình thường.

5. Hội chứng ống cổ tay

Tình trạng viêm khi tác động lên cổ tay có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay, gây ra hội chứng ống cổ tay.

6. Bệnh tim mạch

Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch và viêm niêm mạc tim (nội tâm mạc và ngoại tâm mạc).

7. Bệnh phổi

Người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao bị viêm phổi kẽ , dẫn tới tình trạng khó thở.

8. Ung thư hạch

Khi không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh bị ung thư hạch. Đây là một nhóm ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.

Viêm khớp dạng thấp chữa như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính, điều trị kéo dài . Những phương pháp điều trị hiện nay giúp giảm viêm, giảm đau, ngăn ngừa hay làm chậm quá trình tổn thương khớp hướng tới bệnh ổn định, giảm thiểu nguy cơ tàn tật, cho phép người bệnh vận động nhiều nhất có thể, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp thường được chia thành những phương pháp như điều trị bằng thuốc, điều trị hỗ trợ và phẫu thuật.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ thường sẽ chỉ định người bệnh dùng các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) là điều trị cơ bản. Các loại thuốc này giúp làm dịu những triệu chứng, kiềm chế tốc độ phát triển bệnh như Methotrexate, Hydroxychloroquine, Sulfasalazine…

1. Điều trị nội khoa

1.1. Thuốc sinh học

Phương pháp điều trị bằng thuốc sinh học (thuốc kháng IL-6 hay kháng TNF- alpha) là hình thức điều trị mới cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Chúng được sử dụng kết hợp với những loại DMARDs khác hay sử dụng riêng khi những loại thuốc DMARDs không phát huy tác dụng. Thuốc được dùng theo đường tiêm, truyền.

1.2. Thuốc ức chế JAK

Thuốc ức chế JAK là loại thuốc mới, được chỉ định dùng cho người bệnh viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi trưởng thành, bệnh ở thể trung bình tới nặng và đã điều trị thất bại với Methotrexat. Thuốc ức chế hoạt động của các enzyme trong quá trình truyền tín hiệu, cắt đứt nguồn giải phóng những cytokin tiền viêm gây viêm khớp. Những thuốc đại diện cho nhóm này là Tofacitinib, Baricitinib…

1.3. Thuốc giảm đau

Bên cạnh những loại thuốc được dùng để kiểm soát tiến triển bệnh, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc đặc biệt để giúp giảm đau. Các loại thuốc này không có khả năng điều trị chứng viêm ở khớp, nhưng sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn trong khi chờ bác sĩ chuyên khoa hoặc khi có những cơn đau bùng phát.

1.4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cho người bệnh như Ibuprofen, Naproxen hoặc Diclofenac, Celecoxib hoặc Etoricoxib… Các loại thuốc này sẽ giúp giảm đau, chống viêm ở khớp, chứ không thể ngăn bệnh tiến triển.

1.5. Thuốc Steroid

Steroid là một loại thuốc mạnh giúp giảm đau, giảm cứng khớp và chống viêm. Thuốc thường được dùng dưới dạng viên uống. Thuốc giúp giảm đau và chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Vì khi sử dụng lâu dài, người bệnh có nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ như tăng cân, loãng xương, dễ xuất huyết dưới da, yếu cơ…

2. Điều trị hỗ trợ

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện những biện pháp hỗ trợ như:

2.1 Vật lý trị liệu

Thông qua các bài tập, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh cải thiện thể lực, tăng cường sức mạnh cơ bắp, đồng thời tăng sự linh hoạt cho các khớp. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn các biện pháp giảm đau như chườm nóng hoặc chườm lạnh, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS).

2.2 Dụng cụ hỗ trợ

Khi người bệnh gặp khó khăn với những công việc hàng ngày, liệu pháp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sẽ được áp dụng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về cách vận động, đeo nẹp, mang giá đỡ, sử dụng đế lót giày… Các liệu pháp này sẽ giúp bảo vệ khớp, khi ở nhà hoặc tại nơi làm việc.

2.3 Liệu pháp bổ sung

Nhiều trường hợp viêm khớp dạng thấp có thể được chỉ định châm cứu, massage… Các liệu pháp này sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, giúp các khớp dẻo dai hơn.

2.4 Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hiện tại không có bằng chứng chắc chắn nào về việc thực phẩm có khả năng chữa trị hoặc khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tuy vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh với rau, trái cây, các loại hạt và đậu, ngũ cốc, cá và chất béo không bão hòa… sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tổng thể nói chung và cơ xương khớp nói riêng.

2.5 Phẫu thuật

Khi tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp tiến triển nghiêm trọng gây cứng, dính các khớp làm hạn chế vận động của khớp và ảnh hưởng tới thẩm mỹ, phẫu thuật là lựa chọn điều trị duy nhất giúp phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Bác sĩ sẽ thay phần khớp tổn thương bằng khớp nhân tạo. Phần chỏm xương đùi, khớp gối và khớp háng sẽ được chỉ định phẫu thuật thay thế nhiều nhất.

Những phương pháp giúp phòng ngừa bệnh

Viêm khớp dạng thấp có thể được phòng ngừa và kiểm soát nhờ các biện pháp như:

1. Bỏ thuốc lá

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thói quen hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng 1,3 – 2,4 lần so với người không hút. Thêm vào đó, hút thuốc còn làm cho các triệu chứng của bệnh tiến triển nhanh hơn.

2. Kiểm soát tốt cân nặng

Những người thừa cân, béo phì có khả năng tiến triển RA cao hơn. Do đó, để phòng bệnh, bạn nên cần duy trì cân nặng hợp lý bằng cách:

  • Tập thể dục đều đặn: Bạn có thể kết hợp những bài tập sức mạnh (như squat, tennis, cầu lông…) với các bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…). Tập luyện sức mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ sự mất xương – một biến chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, đồng thời hỗ trợ giảm đau và cứng khớp. Bạn nên tránh những bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát (các cơn đau khớp trở nên dữ dội) để hạn chế bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây trong thực đơn mỗi ngày. Ưu tiên các nguồn protein từ cá, gà thay vì thịt đỏ. Tránh các món ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt.

3. Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường

Tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, bạn cần tránh xa amiăng và silica. Nếu môi trường làm việc buộc phải tiếp xúc với những hóa chất nguy hiểm này, bạn nên sử dụng đồ bảo hộ.

4. Khám và điều trị kịp thời

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển những tổn thương khớp nghiêm trọng sau này.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám