Đau khi đại tiện là một triệu chứng gây ra nhiều bất tiện, khó chịu đối với người bệnh. Thêm vào đó, đây cũng có thể là dấu hiệu cơ thể cảnh báo người bệnh đang mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm.
Đau hậu môn khi đại tiện là gì?
Đau hậu môn là một triệu chứng ở các bệnh lý của vùng hậu môn – trực tràng mà nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, ở mỗi bệnh lý khác nhau, người bệnh sẽ có những biểu hiện đau khác nhau, hoặc đi kèm với triệu chứng khác như sưng nề, chảy máu, xuất hiện vết loét, vết nứt, hoặc khối u bất thường…
Một số trường hợp đau hậu môn thường gặp bao gồm:
- Đau khi đi đại tiện
- Đau khi lau chùi hậu môn
- Đau liên tục, âm ỉ sau khi đại tiện
- Đau dữ dội quặn thành từng cơn
- Đau hậu môn khi ngồi
Nguyên nhân gây đau khi đại tiện
Đau khi đại tiện do các nguyên nhân sinh lý
- Thường xuyên ăn thức ăn cay nóng
Nhiều người có sở thích và thói quen ăn đồ ăn có cho thêm gia vị cay nóng, đặc biệt là vào mùa lạnh, tuy nhiên đây lại chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Thực tế, hệ tiêu hóa của con người không thể phân hủy hoàn toàn các loại gia vị cay nóng, đa số sẽ được đào thải ra ngoài thông qua việc đi đại tiện. Tuy nhiên, hậu môn và niêm mạc hậu môn lại là khu vực rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, chính vì vậy, tác động từ các cặn dư của thực phẩm cay nóng có thể gây ra cảm giác đau rát tại hậu môn.
- Ảnh hưởng từ việc nhịn đi đại tiện
Một số người thường vì một số lý do nào đó mà nhịn việc đi đại tiện, khiến cho phân bị lưu giữ lâu trong trực tràng, mất nước và gây táo bón. Táo bón càng nặng quá trình đi đại tiện lại càng khó khăn, gây đau rát hậu môn. Thêm vào đó, việc rặn mạnh để đưa phân cứng ra ngoài cũng sẽ làm tổn thương niêm mạc hậu môn, dẫn đến chảy máu, nhiễm trùng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân sinh lý gây ra tình trạng đau rát ở hậu môn. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục qua đường hậu môn có thể dẫn đến một số vấn đề khác như: nứt hậu môn, nhiễm trùng hậu môn…
Đau khi đại tiện do các nguyên nhân bệnh lý
Nếu nguyên nhân gây đau rát hậu môn xuất phát từ các vấn đề bệnh lý, thường triệu chứng này sẽ xảy ra sau khi đi đại tiện xong. Một số bệnh lý gây đau rát hậu môn có thể kể đến như:
- Táo bón: Là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đau hậu môn sau khi đại tiện. Khi bị táo bón người bệnh sẽ phải cố rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài, điều này sẽ khiến lớp niêm mạc hậu môn bị sưng, đau rát, trầy xước… Ngoài ra bệnh táo bón còn có thể đi kèm theo các triệu chứng khác như: có mẫu lẫn trong phân, đầy bụng…
- Bệnh trĩ: Đây là một trong những căn bệnh thường gặp ở vùng hậu môn với tỷ lệ từ 50-55% dân số, bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, với mọi lứa tuổi… Bên cạnh đau hậu môn, một số triệu chứng khác đi kèm của bệnh trĩ có thể kể đến như: chảy máu khi đại tiện, sa lồi búi trĩ, đau và chảy dịch hậu môn…
Triệu chứng đau hậu môn khi đại tiện do bệnh trĩ sẽ khác nhau phụ thuộc vào việc người bệnh bị trĩ nội hay trĩ ngoại.
Trong trường hợp đau rát hậu môn do mắc bệnh trĩ, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học kết hợp với điều trị tích cực để cải thiện tình trạng bệnh.
- Nứt kẽ hậu môn: Đây là bệnh thường xuyên bị nhầm lẫn với bệnh trĩ vì có những triệu chứng giống nhau. Nứt kẽ hậu môn xảy ra khi hậu môn bị cào xước do tác động của ngoại lực, bệnh táo bón, quan hệ tình dục bằng hậu môn hoặc các tổn thương khác. Đáng nói, khi hậu môn xuất hiện vết rách, xước sẽ rất dễ bị nhiễm trùng gây đau đớn, ngứa rát nhiều trường hợp còn có thể gây chảy máu mỗi lần đi đại tiện.
Thông thường bệnh nứt kẽ hậu môn có thể tự hết sau 2 – 3 tuần, tuy nhiên một số trường hợp nặng hơn, bị tái phát hoặc đau hậu môn thời gian kéo dài sẽ cần thăm khám và điều trị.
- Tiêu chảy kéo dài: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến làm đau rát hậu môn khi đi đại tiện, đặc biệt là trong trường hợp người bệnh bị tiêu chảy nặng, đi ngoài khoảng 5 – 10 lần mỗi ngày. Người bệnh tiêu chảy cần xác định nguyên nhân và điều trị sớm tránh việc đi đại tiện quá nhiều gây tổn thương niêm mạc hậu môn.
- Bệnh lý da liễu: Vùng da ở hậu môn rất nhạy cảm và dễ mắc một số bệnh da liễu như: nấm, vảy nến, mụn… khiến cho người mắc cảm thấy ngứa ngáy, chảy máu, đau rát khó chịu tại hậu môn. Một số bệnh da liễu nếu không được điều trị khỏi thì tình trạng đau rát hậu môn sẽ ngày càng tăng thêm. Để điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm phần da bị mắc bệnh để chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị thích hợp.
- Bệnh áp xe và rò hậu môn: Áp xe và rò hậu môn cũng là một trong nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra đau, ngứa rát hậu môn. Bệnh làm xuất hiện nhiều mủ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra tình trạng nhiễm trùng tại hậu môn.
Khi bị mắc bệnh, cách điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật để dẫn lưu mủ áp xe trong hậu môn. Bệnh nhân cần chủ động thăm khám và can thiệp nhanh chóng để có thể tránh được các biến chứng nặng nề hơn.
- Viêm trực tràng: là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc trực tràng, bệnh có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc mãn tính. Các triệu chứng cảnh báo của bệnh có thể kể đến như: đau hậu môn dữ dội, đi đại tiện thường xuyên, chảy máu hoặc tiết dịch nhầy ở trực tràng… Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: thủng đại tràng, hẹp đại tràng, thậm chí ung thư đại tràng. Bệnh có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa ở giai đoạn đầu, trong trường hợp viêm trực tràng mãn tính, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ phần mô tổn thương, thậm chí cắt bỏ toàn bộ trực tràng với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
- Ung thư hậu môn: xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị đột biến, phát triển không kiểm soát tạo nên các khối u. Thông thường, khi bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số triệu chứng của bệnh bao gồm: chảy máu, sưng phồng, đau tức nặng ở vùng hậu môn, ngứa và chảy dịch từ ống hậu môn…
Những cách cải thiện tình trạng đau khi đi đại tiện
Đau khi đại tiện không chỉ gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh, mà khi tình trạng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và mắc các bệnh lý mãn tính. Vì vậy người bệnh chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác ngay từ khi có những dấu hiệu bất thường để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể thực hiện một biện pháp nhằm cải thiện tình trạng đau rát hậu môn khi đi đại tiện, bao gồm
Điều chỉnh thói quen ăn uống
Đa số các trường hợp bị đau hậu môn khi đại tiện đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống không khoa học: ăn ít rau, chất xơ, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, uống rượu bia… Vì vậy để giảm triệu chứng này, người bệnh nên thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý, cụ thể:
- Ăn thực phẩm đã được nấu chín, đun sôi, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
- Uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày, bổ sung vào chế độ ăn thêm nhiều trái cây và rau để hạn chế táo bón
- Sử dụng sữa chua nhằm bổ sung thêm lợi khuẩn cho đường ruột, giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn đại tiện
- Ăn đúng giờ và đủ bữa, cố gắng không bỏ bữa để ổn định hoạt động tiêu hóa và bài tiết
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng, rượu bia, caffeine, nước ngọt có gas và trà đặc. Các thức uống này có thể khiến cơ thể dễ mất nước và khiến phân cứng, khô hơn, gây ra tình trạng táo bón
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
- Nên đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, việc nhịn đại tiện sẽ kéo dài thời gian phân bên trong đường ruột, khiến phân dần dần chuyển sang trạng thái khô cứng và tăng nguy cơ táo bón
- Thiết lập thói quen đi đại tiện theo giờ (sáng sau khi ngủ dậy hoặc tối trước khi ngủ) để giúp ổn định hoạt động bài tiết của đường ruột và giảm tình trạng rối loạn đại tiện
- Hạn chế ngồi, đứng quá nhiều hoặc mang vác nặng để tránh tăng áp lực lên hậu môn, gây ra bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn…
- Vệ sinh sạch sẽ hậu môn bằng nước và khăn mềm sau mỗi lần đại tiện, không nên dùng xà bông hay dung dịch vệ sinh dễ gây kích ứng da
- Ngâm rửa hậu môn hằng ngày để làm mềm niêm mạc, giảm ngứa ngáy và hạn chế tình trạng khô rát.
- Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái nhằm hạn chế ma sát với vết nứt ở hậu môn.
- Tránh quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, đặc biệt là khi cơ quan này đang bị tổn thương.
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress và căng thẳng thần kinh
- Tập thể dục thường xuyên và ngủ nghỉ đúng giờ.
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn