Mụn cóc là bệnh da liễu phổ biến sau mụn trứng cá. Theo thống kê, cứ 4 người thì có 3 người bị mụn cóc vào một thời điểm nào đó trong đời. Vậy mụn cóc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa ra sao?
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là bệnh phổ biến, lành tính, do thượng bì nhiễm Papilloma virus ở người (HPV) qua vết thương hở hoặc vết trầy xước, làm kích thích tăng sinh tế bào nhanh chóng dẫn đến hình thành mụn cóc. Virus HPV này có hơn 100 loại khác nhau, trong đó mụn cóc ở tay, chân thường do nhóm HPV 1,2,4,7,27 hoặc 57 gây ra, mụn cóc sinh dục thường do nhóm HPV 6,11…gây ra.
Vết thương hở và da ẩm là môi trường ưa thích cho vi khuẩn xâm nhập qua da. Các yếu tố miễn dịch tại chỗ và toàn thân gây ảnh hưởng đến sự lây lan. Đặc biệt, những người bệnh có hệ miễn dịch suy giảm (nhất là người nhiễm HIV hoặc ghép thận) có nguy cơ cao phát triển các tổn thương gây khó điều trị.
Mụn cóc có rất nhiều loại khác nhau và thường được đặt tên theo vị trí xuất hiện. Hầu hết, mụn cóc thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số loại mụn cóc thường nhạy cảm như những vùng bề mặt chịu trọng lực (dưới chân) gây đau khi đi lại.

Nguyên nhân gây bệnh mụn cóc
Khi vi-rút nhú ở người (HPV) xâm nhập vào vết cắn của da, gây nhiễm trùng và hình thành mụn cóc. Vi-rút lây lan từ người này sang người khác hoặc từ các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc.
- Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như khăn tắm, dao cạo râu…
- Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm mụn cóc (mụn cóc sinh dục)
- Cắn móng tay và cạy lớp biểu bì.
- Cạo râu.
Dấu hiệu mụn cóc
Mụn cóc giống như một nốt sần sùi màu da hoặc xám trắng. Hình dạng chúng đôi khi trông giống súp lơ nhiều nhú, có một số loại thì phẳng. Mụn cóc có thể không gây đau, hoặc đau nhiều khi đi lại, tì đè. Ngoài ra còn có những tình trạng khiến người bệnh khó chịu như:
- Chảy máu nhẹ.
- Cảm giác bỏng rát.
- Khó chịu.
- Ngứa hoặc kích ứng bộ phận sinh dục.
Một số loại mụn cóc rất nhỏ nhưng người bệnh vẫn cảm nhận hoặc nhìn thấy chúng. Đôi khi, mụn cóc sẽ tập hợp thành nhóm, có loại rất lớn có hình dạng giống như thân cây. Hầu hết, các mụn cóc bắt đầu dạng khối u nhỏ, mềm và có khi người bệnh không để ý.
Ai có thể bị mụn cóc?
Bệnh mụn cóc xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn vì môi trường vui chơi của các bé thường chứa nhiều virus HPV như: chơi đất, cát, cắn móng tay, không mang giày dép,… Những người mắc bệnh tự miễn dịch hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu bao gồm cả người già rất dễ bị nhiễm vi-rút gây mụn cóc.
Phân loại mụn cóc, vị trí ưa thích?
1. Phân loại
Dưới đây là một số loại mụn cóc thường gặp và triệu chứng:
- Mụn cóc thông thường: những khối u có màu đen hoặc xám, sần sùi, cứng, gặp nhiều ở mu bàn tay, ngón tay, vùng da quanh móng tay và bàn chân. Mụn xuất hiện do virus xâm nhập qua các vết xước khi cắn hoặc cắt móng tay.
- Mụn cóc dạng sợi mảnh: có kích thước dài, nhiều nhú, thường gặp ở mặt, quanh miệng, mí mắt, mũi, không gây đau và phát triển nhanh.
- Mụn cóc lòng bàn chân: mụn nhỏ, rộp, sần sùi, có màu tương tự như màu da hoặc đen, nâu, nổi ở gót hoặc lòng bàn chân, gây đau khiến việc đi lại gặp khó khăn. Mụn dễ vỡ do chịu lực ép của chân và mặt nền.
- Mụn cóc phẳng: khối u có kích thước khá nhỏ, khoảng 5mm, nhẵn và phẳng hơn các loại khác. Tuy nhiên, mụn cóc dạng này có tốc độ phát triển và lây lan nhanh sang các vùng da lân cận. Mụn cóc phẳng thường xuất hiện trên mặt trẻ em, vùng râu nam giới và chân của phụ nữ.
- Mụn cóc sinh dục: các nốt mụn nổi ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Bệnh lây lan thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc với dịch tiết hoặc vùng da bị nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh cho trẻ sơ sinh khi sinh con.

Các vị trí ưa thích
- Mụn cóc ở tay
- Chân/bàn chân.
- Móng tay/móng chân.
- Mặt.
- Môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng.
- Bộ phận sinh dục (Vùng háng, dương vật, bìu, âm đạo, âm hộ, môi âm đạo gồm môi bé,môi lớn và cổ tử cung.
- Hậu môn.
- Trực tràng.
Yếu tố tăng khả năng gây nhiễm mụn cóc
Mụn cóc chủ yếu lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với da. Mụn lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, từ người này sang người khác.
- Nguyên nhân bị mụn cóc có thể thông qua việc dùng chung đồ cá nhân như: dao cạo, khăn tắm, quần áo, giày dép, kìm bấm móng,…
- Tổn thương ngoài da, các vết xước khi làm móng, cắn,…
- Nhiễm trùng da, phá vỡ bề mặt da.
- Vùng da thường ẩm ướt.
- Tay hoặc chân đổ nhiều mồ hôi.
- Thường đi chân trần
- Việc tác động đến vùng mụn cũng khiến chúng lây lan như: cào, nặn, gãi,…
- Bệnh mụn cóc để lâu ngày có thể lây lan sang nhiều vị trí khác, làm mất thẩm mỹ.
- Bơi ở các bể bơi công cộng.
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người khác.
Mụn cóc có nguy hiểm không? Biến chứng
Mụn cóc không gây nguy hiểm. Đa phần chúng sẽ biến mất và không xảy ra bất kỳ vấn đề nào đáng kể sau khi được điều trị. Tuy nhiên, đôi khi chúng vẫn gây ra những triệu chứng nặng khác:
- Ung thư: HPV và mụn cóc sinh dục liên quan đến một số bệnh ung thư khác nhau gồm ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng (hầu họng).
- Biến dạng: những người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ nổi những mụn cóc biến dạng trên tay, mặt và cơ thể.
- Nhiễm trùng: nếu người bệnh tác động đến mụn cóc như cạy, cắt,… hình thành các vết nứt trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
- Đau: thông thường mụn cóc không đau; tuy nhiên mụn cóc lòng bàn chân khiến người bệnh đau đớn khi di chuyển và sẽ cảm thấy như có viên sỏi dưới bàn da chân.
Mụn cóc có lây không?
Mụn cóc rất dễ lây lan và chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da như cạy rồi chạm vào vùng khác trên cơ thể. Người bệnh cũng có thể lây thông qua khăn tắm, dao cạo đã chạm vào mụn cóc trên cơ thể người bệnh hoặc người khác.
Cách phòng ngừa mụn cóc như thế nào?
Chủ động phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy lây lan và hạn chế mụn cóc tái nhiễm. Một số biện pháp phòng ngừa có thể kể đến như:
- Tránh cạo trên mụn cóc.
- Bỏ thói quen cắn móng tay hoặc cạy lớp biểu bì.
- Không dùng chung khăn tắm, quần áo, bấm móng tay, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác.
- Không chạm vào mụn cóc của người khác.
- Tiêm vaccine HPV và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục.
- Giữ bàn chân khô ráo để ngăn mụn cóc lây lan.
- Không gãi, cắt hoặc cạy mụn cóc.
- Mang dép xỏ ngón hoặc giày khi sử dụng phòng thay đồ công cộng, khu vực hồ bơi.
#DSHOAITHUONG
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn