Nhịp nhanh thất là tình trạng nhịp tim đập nhanh hơn 100 nhịp mỗi phút xuất phát từ những vùng cơ tim bất thường ở tâm thất của tim. Đây là một tình trạng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Nhịp nhanh thất là gì?
Nhịp nhanh thất là tình trạng loạn nhịp tim nhanh xuất phát từ buồng tâm thất của tim. Có nhiều loại nhịp nhanh thất, nhưng thường liên quan đến bệnh tim cấu trúc hoặc bệnh mạch vành. Nhịp nhanh thất và rung thất là những rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất và cần được điều trị tích cực.
Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc, bệnh lý các kênh ion của tim hoặc bệnh nhân suy tim với chức năng bơm máu giảm. Trong suy tim, bệnh mạch vành và các bệnh lý cơ tim, nhiều vùng cơ tim (và đặc biệt là tâm thất trái) có thể bị dày, giãn, thiếu máu nuôi và làm giảm chức năng co bóp.

Phân loại
Thể nặng nhất của loạn nhịp thất là rung thất với các hoạt động điện của 2 buồng tâm thất hoàn toàn hỗn loạn. Lúc này, trái tim không còn đập nữa mà chỉ “rung rung”, và bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh nếu cơn rung thất tiếp tục kéo dài mà không được cấp cứu kịp thời
Nhịp nhanh thất vô căn
Đôi khi nhịp nhanh thất xuất hiện ở những người không có các bệnh lý tim mạch với cơ tim bình thường (do đó được gọi là vô căn). Dạng nhịp nhanh thất này thường dễ điều trị hơn và ít khi đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng nhịp nhanh thất
Trong cơn nhịp nhanh thất, tim thường đập với tần số rất nhanh và hiệu quả của mỗi nhịp đập rất thấp so với nhịp xoang bình thường, do đó thường không cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác. Cơn nhịp nhanh thất có thể chỉ xuất hiện trong vài giây. Nhịp nhanh thất kéo dài thường là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
các triệu chứng của nhịp nhanh thất bao gồm:
- Chóng mặt;
- Lâng lâng;
- Đau ngực;
- Hụt hơi;
- Tim đập nhanh;
- Đánh trống ngực;
- Ngất xỉu;
- Tim ngừng đập.
- Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể không cảm nhận thấy các triệu chứng của cơn nhịp nhanh thất.
Nhịp nhanh thất khác rung thất thế nào?
Nhịp nhanh thất và rung thất đều là những loại loạn nhịp tim nặng, nhưng rung thất nghiêm trọng hơn. Với nhịp nhanh thất, nhịp tim nhanh và khả năng co bóp yếu hơn bình thường làm giảm khả năng cung cấp máu cho các cơ quan khác. Trong khi đó, cơn rung thất sẽ khiến tim ngừng đập và gây đột tử.
Trong một số bệnh lý, cơn nhịp nhanh thất kéo dài cũng có thể chuyển dạng thành rung thất.
Nguyên nhân nhịp nhanh thất
Có nhiều nguyên nhân gây ra hoặc góp phần dẫn đến các vấn đề về loạn nhịp tim và nhịp nhanh thất như:
- Nhồi máu cơ tim trước đó hoặc bệnh tim khác gây sẹo mô tim (bệnh tim cấu trúc);
- Lưu lượng máu đến cơ tim kém do bệnh động mạch vành;
- Các bệnh lý loạn nhịp do bất thường kênh ion của tim (như QT dài, QT ngắn, Brugada…);
- Mất cân bằng các chất điện giải (như kali, magiê…);
- Tác dụng phụ của thuốc;
- Tiền sử gia đình bị nhịp tim nhanh hoặc các rối loạn nhịp tim khác khiến một người có nhiều khả năng phát triển nhịp nhanh thất;
- Đôi khi, nguyên nhân chính xác của nhịp nhanh thất không thể được xác định (nhịp nhanh thất vô căn).
Bệnh nhân có cơn nhịp nhanh thất cần được tư vấn và điều trị phù hợp tùy theo từng nguyên nhân bệnh và tránh các yếu tố làm kích hoạt cơn nhịp nhanh thất nguy hiểm.
Biến chứng nhịp nhanh thất
Các biến chứng của nhịp nhanh thất tùy thuộc vào tim đập nhanh như thế nào, cơn loạn nhịp kéo dài bao lâu,… Nhịp nhanh thất có thể gây ra các biến chứng nặng nề, đặc biệt là với những cơn kéo dài. Các biến chứng bao gồm:
- Suy tim: Nếu không điều trị, các cơn nhịp nhanh thất có thể dẫn đến suy tim. Ở người bệnh suy tim, các loại loạn nhịp thất cũng làm tình trạng suy tim nặng nề hơn.
- Đột tử do tim: Nhịp nhanh thất kéo dài có liên quan đến nguy cơ đột tử.

Cách phòng ngừa nhịp nhanh thất
Một lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch.Có thể tự bảo vệ mình khỏi bệnh động mạch vành (nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhịp nhanh thất) bằng những cách sau:
- Thực hành chế độ ăn ít chất béo, giàu chất xơ;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì;
- Bỏ thuốc lá, tránh hít khói thuốc thụ động, không dùng thuốc lá điện tử…
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ nếu mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Lưu ý khi mắc bệnh nhịp nhanh thất
Khi được chẩn đoán bệnh nhịp nhanh thất, bạn cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ cũng như thay đổi chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ,… để cải thiện tình trạng bệnh. Người bệnh cần lưu ý thăm khám đúng lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra, điều chỉnh thuốc hoặc can thiệp kịp thời.
—-
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345
Website: www.helpbmt.com – www.doctorhelp.vn