Paracetamol là gì?
Paracetamol (còn được biết đến với tên acetaminophen) là một loại thuốc được sử dụng để làm giảm đau và hạ sốt. Paracetamol được xem là một loại thuốc có tính an toàn cao, ít tác dụng phụ khi được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách, nhưng việc sử dụng quá liều Paracetamol có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy gan, suy thận, viêm tụy, hạ đường huyết và nhiễm acid lactic…

Quá liều Paracetamol là gì?
Liều dùng Paracetamol ở người lớn thường từ 500-1000mg mỗi 4-6 giờ và không quá 4g/ 24 giờ. Với trẻ em, liều dùng được tính theo công thức 10-15 mg/kg cách nhau 4-6 tiếng và không quá 50-70mg/kg/ 24 giờ. Nếu dùng vượt qua mức an toàn này thì được xem là quá liều Paracetamol. Người trưởng thành uống một liều cấp >150mg/kg hoặc >7.5g có thể coi như bị ngộ độc, mặc dù liều tối thiểu gây tổn thương gan có thể dao động từ 4-10g. Trẻ em uống liều cấp từ 120mg/kg- 150mg/kg có thể gây ngộ độc gan. Ở những bệnh nhân uống kéo dài mãn tính, liều >4g/ngày có thể gây ra tình trạng ngộ độc trên lâm sàng.
Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc do paracetamol
Triệu chứng quá liều Paracetamol bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt… Các triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay lập tức nên khi phát hiện dùng Paracetamol quá liều, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám.
Biểu hiện lâm sàng ngộ độc Paracetamol phụ thuộc vào thời điểm người bệnh đến cấp cứu và lượng thuốc đã uống. Bốn giai đoạn ngộ độc Paracetamol bao gồm: Giai đoạn khởi đầu – giai đoạn tổn thương gan – giai đoạn suy gan – giai đoạn hồi phục.

- Giai đoạn khởi đầu: Người bệnh có những triệu chứng đầu tiên trong 24 giờ đầu sau khi uống Paracetamol. Các triệu chứng bao gồm vã mồ hôi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói,… Lưu ý, có trường hợp không xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn tổn thương gan: Giai đoạn tổn thương gan khởi phát trong từ 24 – 48 giờ với các biểu hiện như căng tức vùng hạ sườn phải, đau bụng,… Người bệnh khi thực hiện xét nghiệm các chỉ số men gan bao gồm ALT, AST, bilirubin,… sẽ thấy các chỉ số này có biểu hiện tăng đột ngột, thời gian đông máu kéo dài.
- Giai đoạn suy gan: Suy gan là giai đoạn ngộ độc xảy ra sau 3 – 5 ngày kể từ thời điểm dùng Paracetamol. Biểu hiện đặc trưng của giai đoạn này chính là vàng da, mệt mỏi, ngủ gà, lú lẫn,… kèm theo các triệu chứng của 2 giai đoạn trước. Người bệnh cũng có thể bị suy thận, rối loạn đông máu, hạ đường huyết, mắc bệnh não do gan,… Đặc biệt, ở giai đoạn suy gan, men gan tăng rõ rệt kèm theo nguy cơ hôn mê.
- Giai đoạn hồi phục: Nếu người bệnh được xử trí kịp thời thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn. Các trường hợp ngộ độc Paracetamol nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong trong vòng 4 – 18 ngày.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Uống nhiều thuốc Paracetamol có hại không? Phụ nữ mang thai dùng quá liều Paracetamol có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi do Paracetamol truyền qua nhau thai. Thai nhi sau khi chào đời có nhiều nguy cơ bị hen suyễn, giảm khả năng tình dục, giảm chức năng sinh sản, có chỉ số thông minh (IQ) thấp, chậm phát triển về vận động và giao tiếp, rối loạn tự kỷ, giảm khả năng tập trung… Nếu dùng quá liều Paracetamol trong tam cá nguyệt thứ ba còn làm giảm cân nặng cũng như số lượng tế bào gốc tạo máu của thai nhi.
Uống nhiều Paracetamol trong thời gian dài có sao không?
Paracetamol có tính an toàn cao. Tuy nhiên, không được dùng Paracetamol trong thời gian dài (trừ các trường hợp đặc biệt có chỉ định của bác sĩ). Vì uống quá nhiều Paracetamol kéo dài có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Tổn thương gan:
- Đây là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của việc uống nhiều Paracetamol. Khi Paracetamol vào trong cơ thể, gan sẽ sử dụng glutathione để trung hòa N-acetyl benzoquinonimin từ Paracetamol.
- Nếu uống nhiều Paracetamol trong một thời gian dài thì gan phải liên tục sử dụng glutathione. Trường hợp cơ thể không còn đủ glutathione thì các chất độc sẽ nằm lại bên trong cơ thể và làm tổn thương gan. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, việc sử dụng quá liều Paracetamol hay dùng Paracetamol kéo dài có thể dẫn đến suy gan, thậm chí là gây tử vong.
- Tác dụng phụ khác: Ngoài tổn thương gan, việc uống quá nhiều Paracetamol có thể gây ra các tác dụng phụ khác như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn và mệt mỏi. Một số trường hợp còn có các phản ứng dị ứng với thuốc, khiến da ngứa ngáy, nổi mề đay, phát ban…
- Tác động đến sức khỏe tâm thần: Một số nghiên cứu về tác dụng phụ của Paracetamol cho thấy, việc sử dụng Paracetamol lâu dài có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của người bệnh. Bạn có thể cảm thấy bồn chồn, lo lắng hay thậm chí là bị trầm cảm, mất trí nhớ…

Cách phòng ngừa quá liều Paracetamol
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa quá liều Paracetamol và hạn chế các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc:
- Tuân thủ hướng dẫn: Chỉ sử dụng Paracetamol theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có ý kiến từ bác sĩ điều trị. Trong trường hợp dùng Paracetamol không kê đơn, bạn chỉ nên uống 1-2 viên Paracetamol 500 mg/lần và sử dụng cách nhau 4-6 tiếng.
- Tránh kết hợp các sản phẩm chứa Paracetamol: Nhiều loại thuốc như thuốc trị ho, giảm đau và hạ sốt cũng có thể chứa Paracetamol. Khi kết hợp các loại thuốc này với nhau, bạn có thể vô tình sử dụng quá liều Paracetamol. Do đó, bạn nên đọc kỹ thành phần của thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh hiện tại: Nếu bạn có bất kỳ tình trạng y tế nào (như bị bệnh gan hoặc thận, rối loạn đông máu…) hãy thông báo cho bác sĩ trước khi dùng Paracetamol.
- Giữ thuốc xa tầm tay trẻ em: Một lưu ý quan trọng chính là nên đảm bảo thuốc được bảo quản xa khỏi tầm tay của trẻ em. Việc làm này sẽ giúp phòng tránh trường hợp trẻ vô tình sử dụng Paracetamol.
Mọi loại thuốc đều có thể trở nên nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách, kể cả thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol. Vì thế, nếu không chắc chắn việc sử dụng thuốc và để tránh trường hợp quá liều Paracetamol, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều dùng phù hợp.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345