TRẺ CẢM CÚM UỐNG THUỐC GÌ NHANH KHỎI, AN TOÀN?

Cảm cúm là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không được sử dụng trong điều trị bệnh này. Vậy trẻ cảm cúm uống thuốc gì nhanh khỏi và an toàn?

Cảm cúm ở trẻ em là gì?

Cảm cúm là một bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phổ biến, có thể xảy ra quanh năm, ở mọi đối tượng. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng như mệt mỏi, hắt hơi, nhức đầu, đau nhức toàn thân,… sau đó là chảy nước mũi, tức ngực, ho, khàn tiếng,…

Nguy cơ mắc cảm cúm tăng cao vào mùa đông, khi thời tiết mưa lạnh, ẩm, đặc biệt, đối với những người có sức đề kháng kém, không giữ ấm cơ thể đúng cách, ít vận động, thiếu ngủ.

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em

Cảm lạnh và cảm cúm là hai bệnh lý khác nhau, tuy nhiên chúng đều lây truyền qua đường hô hấp và có triệu chứng khá giống nhau. Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em:

Cảm cúmCảm lạnh
Tác nhân gây bệnhVirus cúm A, B.Nhiều nhóm virus khác, điển hình như Rhinovirus, Enterovirus, Coronavirus.
Triệu chứngSốt cao đột ngột (> 38,5 độ C).Đau đầu.Đau cơ, đau nhức toàn thân.Quấy khóc nhiều (trẻ chưa biết nói).Chảy nước mũi.Đau họng.Ho.Chán ăn, buồn nôn và nôn.Đau họng.Chảy nước mũi.Chảy nước mắt.Hắt hơi.Mệt mỏi.Ho.Sốt nhẹ (có thể xảy ra).Đau đầu (hiếm gặp).

Trẻ cảm cúm uống thuốc gì đúng toa?

Cảm cúm ở trẻ em hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các loại thuốc được bác sĩ kê toa thường tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng và giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

1. Paracetamol (Acetaminophen)

Paracetamol (Acetaminophen) là loại thuốc hạ sốt, giảm đau thường được sử dụng khi trẻ bị cảm cúm. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, cân nặng và độ tuổi, liều dùng paracetamol ở trẻ sẽ khác nhau. Điều quan trọng khi dùng thuốc là phải đảm bảo sử dụng đúng liều và tuân thủ thời gian giữa các lần dùng thuốc.

Liều dùng cho trẻ

  • Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi: 10 – 15 mg/kg/liều mỗi 4 – 6 giờ, tối đa 5 liều/24.
  • Đối với trẻ trên 12 tuổi: 325 – 650 mg/liều mỗi 4 – 6 giờ.

Lưu ý, phụ huynh có thể dễ dàng tìm mua paracetamol tại các nhà thuốc tuy nhiên hoạt chất này có thể chứa trong thành phần của một số loại thuốc khác. Việc cho trẻ dùng thuốc khi không kiểm tra kỹ thành phần có thể khiến trẻ dùng thuốc quá liều, dẫn đến nhiễm độc paracetamol, gây suy gan, thậm chí tử vong. Do đó, trước khi cho trẻ dùng thuốc, bố mẹ cần kiểm tra kỹ thành phần của thuốc và chắc chắn rằng các loại thuốc khác không chứa paracetamol.

2. Thuốc hỗ trợ thông mũi Decongestant

Để giảm triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi và sổ mũi, bố mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hỗ trợ thông mũi Decongestant. Đây là một loại thuốc chống sung huyết có thành phần chứa phenylephrine và pseudoephedrine. Thuốc có tác dụng  giúp làm co các mạch máu nhỏ và tĩnh mạch trong mũi, từ đó giảm tình trạng nghẹt mũi và cải thiện sự thoải mái khi hô hấp. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ nên sử dụng trong khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày. Việc sử dụng thuốc quá lâu có thể gây ra tác dụng phụ như viêm mũi, phù nề, đau đầu và làm giảm khả năng cảm nhận mùi.

Liều dùng cho trẻ

  • Đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi: dùng thuốc phenylephrine 1,25 mg/0,8 mL ở dạng dung dịch uống với liều dùng 1,6 mL mỗi 4 giờ, không quá 6 liều hàng ngày.
  • Đối với trẻ từ 6 – 11 tuổi: dùng thuốc phenylephrine 1,25 mg/0,8 mL ở dạng viên nhai hoặc dung dịch uống với liều dùng 5 mg uống mỗi 4 giờ khi cần thiết.
  • Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên: dùng thuốc phenylephrine 1,25 mg/0,8 mL ở dạng viên nhai hoặc dung dịch uống với liều dùng 10 mg uống mỗi 4 giờ khi cần thiết, tối đa không quá 60 mg.

3. Thuốc giảm các cơn ho

Thuốc giảm ho thường được sử dụng nhằm giảm triệu chứng khó chịu, ho nhiều, ho dai dẳng gây mất ngủ ở trẻ. Có hai nhóm thuốc giảm ho thường được sử dụng trong điều trị ho khan ở trẻ là codein hoặc dextromethorphan.

Lưu ý, các loại thuốc này có thể gây khó thở và nhiều tác dụng phụ khác cho trẻ, do đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc chứa các thành phần này cho trẻ.

4. Thuốc chống lại histamine

Khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, histamin sẽ được giải phóng và gây ra các triệu chứng liên quan như hắt xì, ngứa tai, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi và ho. Thuốc kháng histamine có tác dụng ức chế quá trình giải phóng histamine với thành phần chứa các hoạt chất phổ biến như brompheniramine, chlorpheniramine, diphenhydramine, doxylamine. Các hoạt chất này thuộc thế hệ đầu của thuốc kháng histamine, dễ gây buồn ngủ nên thường được sử dụng vào buổi tối. Thuốc kháng histamine đời thứ hai không gây buồn ngủ, có thành phần chứa cetirizine, fexofenadine, loratadine.

  • Liều dùng cho trẻ: tuỳ vào loại thuốc và triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định liều cụ thể.

Lưu ý, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng histamine cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc có thể gây tác dụng phụ cho trẻ như mất ngủ, bồn chồn, chán ăn, mệt mỏi, ngộ độc thuốc khi dùng quá liều.

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ bị cảm cúm

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị cảm cúm không có tác dụng giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Thuốc chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và làm giảm nhẹ các triệu chứng. Do đó, sau khi cho trẻ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu các triệu chứng của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí trở nặng hơn, phụ huynh nên ngưng thuốc cho trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực từ y tế.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ. Do đó, nếu tự mua thuốc tại các tiệm thuốc, phụ huynh cần nói rõ các triệu chứng và độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và uống thuốc theo đúng liều lượng bác sĩ chỉ định.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), phần lớn các trường hợp gây nguy hiểm cho trẻ bị cảm cúm xảy ra do sử dụng thuốc quá liều, có thể do dùng quá thường xuyên hoạt kết hợp với quá nhiều thuốc có cùng hoạt chất. Do đó, việc tuân thủ đúng liều lượng và sử dụng đúng thuốc bác sĩ chỉ định là điều vô cùng quan trọng khi dùng thuốc điều trị cảm cúm cho trẻ.

Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Thông thường, cảm cúm ở trẻ diễn ra ở mức độ nhẹ và có thể được chữa khỏi hoàn toàn tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng cảm cúm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tình trạng bệnh kéo dài, không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị sớm. Ngoài ra, nếu trẻ có các triệu chứng sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có các dấu hiệu cảm cúm, đặc biệt là sốt.
  • Sốt cao trên 39 độ C, sốt cao kéo dài.
  • Môi xanh, da tím tái, khó thở (cánh mũi phập phồng, khò khè, thở nhanh, thở nông, co kéo lồng ngực khi thở).
  • Trẻ từ chối uống nước, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng.
  • Trẻ bỏ ăn.
  • Trẻ dễ cáu gắt hoặc có xu hướng ngủ nhiều hơn, lờ đờ.
  • Trẻ đau tai dai dẳng.
  • Tình trạng ho kéo dài hơn 3 tuần.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÁC SĨ GIA ĐÌNH DOCTOR HELP
KHÁM CHỮA BỆNH TẠI NHÀ VÀ TẠI PHÒNG KHÁM
CN BMT: 544 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CN Sài Gòn: 04 Phan Phú Tiên, Phường 10, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0898 355 365 – 0898 355 345

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi 0898 355 345 Để Đặt Lịch Khám